Trong thời gian đầu thử nghiệm ACDM tại Cảng HKQT Nội Bài (NIA), tỷ lệ đúng giờ được cải thiện ra sao? Lượng nhiên liệu được tiết kiệm như thế nào? Đánh giá bước đầu đối với hiệu quả thử nghiệm? Ghi nhận 10 ngày đầu thử nghiệm áp dụng mô hình ACDM tại Cảng HKQT lớn nhất miền Bắc.

Trung tâm AOCC, nơi các mắt xích kết nối qua A-CDM portal để cùng chia sẻ nền tảng dữ liệu chung

Việc áp dụng mô hình phối hợp ra quyết định tại Cảng hàng không, sân bay (A-CDM) đã được Cảng HKQT Nội Bài triển khai thử nghiệm từ ngày 26/3/2023, mỗi ngày vào 02 khung giờ: từ 9h-11h và 13h-15h. Phương án khai thác A-CDM trong giai đoạn thử nghiệm tại Cảng được xây dựng căn cứ theo từng giai đoạn của một chuyến bay, qua đó, đảm bảo các cá nhân, đơn vị trong dây chuyền A-CDM nắm rõ quy trình thực hiện nhiệm vụ trong quá trình khai thác một chuyến bay được áp dụng A-CDM. Theo tính toán sơ bộ, trong 10 ngày đầu thử nghiệm, Cảng HKQT Nội Bài và các đơn vị trong dây chuyền phục vụ bay đã điều hành hiệu quả đối với gần 350 lượt chuyến bay trong khung giờ áp dụng A-CDM cất hạ cánh an toàn.

Những chỉ tiêu đánh giá hiệu quả bước đầu của A-CDM tại NIA

 Ông Đinh Đăng Định - PGĐ Trung tâm ĐHSB - Cảng HKQT Nội Bài đang giới thiệu về  A-CDM tại màn hình A-CDM portal

“Có nhiều chỉ tiêu được đưa ra để tính toán hiệu quả của A-CDM”, ông Đinh Đăng Định – Phó giám đốc Trung tâm Điều hành sân bay Nội Bài - Cảng HKQT Nội Bài – thành viên Tổ triển khai A-CDM tại Nội Bài chia sẻ. Sau 10 ngày đầu thử nghiệm A-CDM tại NIA, các thành viên của Tổ A-CDM nhận thấy những hiệu quả bước đầu có thể tính toán và lượng hóa như sau:

Thứ nhất, độ tuân thủ giờ cho phép nổ máy mục tiêu (TSAT) của mỗi chuyến bay trong giai đoạn thử nghiệm trung bình đạt 94%. Chỉ số này cho thấy mức độ tuân thủ giờ cho phép nổ máy theo trình tự khởi hành đã được đưa ra bởi cơ quan không lưu cũng như việc xin cấp huấn lệnh của tổ lái được tuân thủ trong khung TSAT tiêu chuẩn +/- 5 phút được tuân thủ rất nghiêm túc và chính xác.

Thứ hai, độ tuân thủ giờ khởi hành được tính toán (Off-block) đạt 98%. Tỷ lệ này cho biết trạng thái thực tế tàu bay sẵn sàng để rời khỏi vị trí đỗ đạt gần như tuyệt đối, cho thấy được mức độ chính xác, kịp thời trong công tác phục vụ cho một chuyến bay của đơn vị phục vụ mặt đất và hãng hàng không dựa trên kế hoạch đã được đưa ra trước đó.

Thứ ba, chỉ số đúng giờ (OTP – On time Performance) của chuyến bay trong giai đoạn thử nghiệm A-CDM được ghi nhận đạt 94%. So với trung bình trong quý 1/2023 (88,25%), chỉ số đúng giờ của các chuyến bay đã có những cải thiện đáng kể.

Thứ tư, mức độ tuân thủ giờ cất cánh được đánh giá bởi độ lệch giữa giờ cất cánh tính toán và giờ cất cánh thực tế, được ghi nhận chỉ chênh 1 phút, cho thấy giờ cất cánh thực tế được tuân thủ gần như tuyệt đối so với giờ cất cánh tính toán được đưa ra trước đó. Điều này cũng cho thấy hiệu quả tính toán chính xác trình tự cất cánh của hệ thống quản lý tàu bay đi của Công ty Quản lý bay miền Bắc (hệ thống DMAN).

Thứ năm, các chỉ số rất quan trọng của A-CDM nhằm giảm chi phí cho các hãng hàng không tham gia dây chuyền A-CDM, giảm thời gian chiếm dụng đường lăn và tối ưu hóa sử dụng hạ tầng tại Cảng hàng không đó là thời gian lăn ra để cất cánh của tàu bay và thời gian lăn vào vị trí đỗ của tàu bay. Theo tính toán thời gian lăn ra để cất cánh của tàu bay trong khung giờ thử nghiệm tại NIA đạt 14 phút, giảm 02 phút so với trung bình trước khi thử nghiệm; Thời gian lăn vào của tàu bay tính từ thời điểm tàu bay hạ cánh thực tế trên đường băng và lăn vào vị trí đỗ trung bình trong khung giờ thử nghiệm đạt 6,5 phút, giảm 1,5 phút so với trung bình trước khi thử nghiệm.

Theo tính toán sơ bộ của các hãng hàng không nội địa, mỗi phút tiết kiệm thời gian lăn sẽ tương ứng với số nhiên liệu tiết kiệm được và quy đổi chi phí như sau: Với loại tàu bay A350 tiết kiệm được 25kg nhiên liệu/1 phút tương đương khoảng 127$ cho mỗi phút giảm thời gian lăn; Với loại tàu bay B787 tiết kiệm được 20kg nhiên liệu/1 phút, tương đương khoảng 122$ cho mỗi phút giảm thời gian lăn; Với loại tàu bay A321 tiết kiệm được 13,5kg nhiên liệu/1 phút, tương đương khoảng 68$ cho mỗi phút giảm thời gian lăn; Với loại tàu bay ATR72 tiết kiệm được 13,5kg nhiên liệu/1 phút, tương đương khoảng 19$ cho mỗi phút giảm thời gian lăn.

A-CDM và những hiệu quả giai đoạn đầu thử nghiệm:

Giao diện của hệ thống A-CDM Portal tại NIA nơi mọi thông tin phục vụ chuyến bay được cập nhật thông suốt và chia sẻ cho các mắt xích cùng khai thác

Thực tiễn áp dụng thử nghiệm A-CDM tại NIA đã cho thấy chi tiết các nhóm lợi ích đối với Cảng hàng không, với hãng hàng không, với đơn vị phục vụ mặt đất, với đơn vị quản lý bay và với hành khách.

Đối với đơn vị quản lý bay: khi áp dụng A-CDM lực lượng kiểm soát viên không lưu (KSVKL) giảm tần suất liên lạc với tổ bay do thông tin giờ dự kiến nổ máy đã được hiển thị trên hệ thống dành riêng cho phi công. Dẫn đến giảm khối lượng công việc cho kiểm soát viên không lưu. Các dữ liệu của chuyến bay được cập nhật liên tục và theo thời gian thực, giúp kiểm soát viên không lưu nắm rõ tiến trình quay đầu của từng chuyến bay thông qua hệ thống A-CDM portal giúp KSVKL ra quyết định chính xác, kịp thời và minh bạch.

Đối với hãng hàng không và đơn vị phục vụ mặt đất: Tiết kiệm chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến bay nhờ tối ưu hiệu quả khai thác và giảm thời gian lăn của tàu bay. Thêm vào đó, thông tin, dữ liệu của các chuyến bay đã được cung cấp đầy đủ hơn, chính xác hơn, tuân thủ các quy trình khai thác tốt hơn so với khi chưa triển khai A-CDM; Thông tin được phối hợp chia sẻ, mang tính thông suốt, rõ ràng, minh bạch giữa các đơn vị. Các đơn vị sử dụng dữ liệu chuyến bay hiệu quả, cải thiện khả năng dự đoán kiểm soát tốt quy trình quay đầu của chuyến bay.

Đối với cảng hàng không, sân bay: Khi triển khai A-CDM tối ưu được hạ tầng cảng hàng không, nâng cao hiệu quả khai thác tại sân bay, giảm khí thải CO2 ra môi trường đồng thời nâng cao vị thế sân bay trong khu vực và thế giới.

Đối với hành khách, rõ ràng với tỷ lệ đúng giờ (OTP) đối với các chuyến bay áp dụng A-CDM tại NIA trong thời gian qua là 94%, hành khách sẽ có những trải nghiệm tốt hơn, do tàu bay giảm thời gian lăn, thời gian dừng chờ, hạn chế bay vòng…, đồng thời công tác phục vụ hành lý, hàng hóa của chuyến bay sẽ được phục vụ tốt hơn,… do các chuyến bay được lập kế hoạch tốt, có thông tin rõ ràng, được tối ưu hóa các khâu trong quá trình khai thác nhờ A-CDM.

Giao diện NoiBai A-CDM tại màn hình cong tiện lợi cho việc theo dõi khai thác thông tin.

Việc triển khai thí điểm đã được Tổ triển khai A-CDM của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam phối hợp với các chuyên gia tư vấn Hà Lan (To70) tính toán kỹ lưỡng, lên kế hoạch chi tiết và được Cục HKVN chấp thuận. Kế hoạch thí điểm tại NIA sẽ tiếp tục được thực hiện đến ngày 30/4/2023. Trong thời gian thí điểm, Cảng vẫn duy trì song song với phương thức điều hành truyền thống, do vậy đảm bảo mọi hoạt động điều hành hoạt động bay tại Cảng không bị xáo trộn. Cảng vụ hàng không miền Bắc là cơ quan thực hiện giám sát quá trình triển khai A-CDM tại Cảng HKQT Nội Bài để đảm bảo an ninh an toàn khai thác theo quy định.

Việc thí điểm để giúp đánh giá tổng thể quy trình phối hợp ra quyết định tại Cảng hàng không, là cơ sở pháp lý để báo cáo lên các cấp có thẩm quyền tiến hành áp dụng chính thức.

Tin bài và ảnh: Cảng HKQT Nội Bài