Trong những năm qua, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực BắcTây Nguyên nói chung. Bộ Giao thông vận tải và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP đã không ngừng đầu tư mới, cải tạo nâng cấp hạ tầng và lắp đặt trang thiết bị hiện đại để đảm bảo an toàn bay tại Cảng hàng không Pleiku (Các dự án kéo dài đường đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga hoàn thành tháng 9 năm 2015), trang thiết bị điều hành bay (hệ thống đèn hiệu, hệ thống quan trắc khí tượng tự động AVOS) đảm bảo khai thác các loại máy bay A320, A321, Boeing 737. Tuy nhiên vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm) thời tiết tại Pleiku diễn biến rất phức tạp, không đủ tiêu chuẩn để các máy bay tiếp cận hạ cánh theo phương thức không chính xác (VOR/DME, NDB) xuống sân bay Pleiku. Do vậy để nâng cao năng lực tiếp nhận máy bay cũng như để đồng bộ với các công trình và các trang thiết bị đã được đầu tư. Bắt đầu từ ngày 21/07/2016 Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP đã triển khai lắp đặt hệ thống thiết bị hạ cánh chính xác ILS (Instrument Landing System), hướng dẫn máy bay tiếp cận chính xác đầu 27.
Hệ thống ILS có chức năng cung cấp thông tin dẫn đường chính xác giúp cho máy bay xác định được quỹ đạo xuống của đường CHC gồm có:
- Đài LOC có chức năng cung cấp thông tin dẫn đường dọc theo trục đường CHC (lateral guidance) dùng để xác định chính xác trục tâm đường CHC và hướng dẫn máy bay hạ cánh vào chính giữa trục tâm này.
- Đài GP Đài GP có chức năng cung cấp thông tin dẫn đường dọc theo đường trượt hạ cánh (vertical guidance) dùng để xác định chính xác góc đáp và giúp máy bay hạ cánh vào đúng khu vực chạm bánh trên đường băng (touchdown zone).
Thông thường tại các cảng hàng không vùng đồng bằng với điều kiện khu bay có địa hình bằng phẳng, đủ rộng lớn đề làm mặt phản xạ thì hệ thống ILS thường sử dụng loại antenna M-Array. Tuy nhiên do khu vực đầu 27 đường CHC của CHK Pleiku có địa hình không bằng phẳng (cách tim đường CHC ra 80m địa hình sụt thấp khoảng 10m) vì vậy phải sử dụng antenna loại End Fire Glide Slope (EFGS) do hãng WATTS của Mỹ chế tạo. Đây là loại antenna công nghệ mới không cần mặt phản xạ theo tiêu chuẩn lắp đặt truyền thống của ICAO và được sử dụng ở những nơi có địa hình không cho phép san gạt mặt phản xạ. Chủng loại anten công nghệ mới này được sử dụng cho hơn 60 hệ thống ILS trên thế giới mà gần đây nhất là hệ thống ILS của Cảng hàng không Liên Khương.
Sau bốn tháng triển khai thi công lắp đặt, ngày 30/11/2016 công trình đã hoàn thành được Cục HKVN nghiệm thu, cấp Giấy phép số 275/GP-CHK ngày 18/01/2017 cho phép chính thức đưa hệ thống vào khai thác từ 7h00 ngày 02/03/2017. Như vậy Cảng hàng không Pleiku sẽ nâng cao năng lực tiếp nhận tàu bay tốt hơn nữa trong điều kiện thời tiết xấu, đáp ứng như cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai Gia lai và khu vực Tây nguyên.
Cùng với sự phát triển và hiện đại hóa của ngành hàng không trên nước, Bộ Giao thông vận tải và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP đã thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Cảng hàng không Pleiku, nâng cao năng lực tiếp nhận tàu bay tốt hơn nữa, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của ngành hàng không, phục vụ tốt nhu cầu ngày càng cao của hành khách. Đồng thời, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, chính trị - xã hội của tỉnh Gia Lai và khu vực Bắc Tây Nguyên, góp phần tăng cường và đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và tạo điều kiện thuận lợi các cơ quan Đảng, Nhà nước đi, đến làm việc tại khu vực Bắc Tây Nguyên và các tỉnh lân cận của hai nước Lào và Cam-pu-chia giáp biên giới với Việt nam.
Người thực hiện: Trương Thi – Quang Huân