· Tên tiếng Anh: Cam Ranh International Airport (CRIA)
· Địa chỉ: Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, P. Cam nghĩa, Tp.Cam Ranh
· Điện thoại: (058) 3989918
· Fax: (058) 3989908
· AFTM: VVCRZTZX
· SITA: CXRKLVNCXRKLXH
· Mã IATA: CXR
1. Vị trí:
Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh tọa lạc ở trung tâm bán đảo Cam Ranh, thuộc địa giới Thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, có tọa độ 11°59’43.66B -109°13’06.29Đ, là giao điểm của tim đường CHC 02/20 & tim đường W3;
Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh cách TP. Nha Trang 35km phía Bắc, cách Tp Cam Ranh 10km phía Nam. Mức cao của điểm quy chiếu Cảng HKQT Cam Ranh so với mực nước biển trung bình là 13,1m, nhiệt độ bình quân 26.5°C.
2. Quá trình hình thành và phát triển:
Sân bay Cam Ranh trước đây do quân đội Hoa kỳ xây dựng và được sử dụng là căn cứ không quân Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh. Năm 1973, sau hiệp định Paris, Hoa kỳ trao căn cứ này lại cho không lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975, sân bay Cam Ranh tiếp tục được sử dụng vào mục đích quân sự cho tới năm 2004.
Ngày 19/05/2004, sân bay Cam Ranh đón chuyến bay dân sự đầu tiên, bay từ Hà Nội thay thế cho sân bay Nha Trang nằm trong nội thị Thành phố Nha Trang bị hạn chế về diện tích và vì lý do an toàn.
Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh ngày nay là cảng hàng không dân sự chính, phục vụ cho tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh cực Nam Trung Bộ.
Nhằm đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của ngành hàng không, ngày 16/08/2007, Chính phủ đã ra Quyết định nâng cấp Cảng hàng không Cam Ranh trở thành Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (cùng với Cảng hàng không quốc tế Phú Bài - Huế).
Đến năm 2012, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã đạt được lượng khách thông qua 1 triệu lượt khách/năm, có tốc độ tăng trưởng hành khách cao và và dự kiến đạt 2,5 triệu lượt khách/năm 2015.
3. Năng lực phục vụ:
Nhà ga hành khách mới Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh được thiết kế hiện đại kết hợp với nét đặc trưng truyền thống của địa phương, thân thiện với môi trường, có diện tích: 13.995m2; diện tích sân đỗ ô tô và đường giao thông: 33.920m2 được khánh thành và đưa vào khai thác sử dụng tháng 12/2009; công suất 800 hành khách/giờ cao điểm; Trong đó, ga quốc nội 600 hành khách/giờ cao điểm, ga quốc tế 200 hành khách/giờ cao điểm. Với dây chuyền công nghệ 1,5 cao trình, sử dụng 2 cầu ống lồng dẫn khách;
Sân bay đạt cấp 4D (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới - ICAO); đủ năng lực phục vụ đáp ứng các loại tàu bay: B-767/ Boeing-777; Airbus-330 và tương đương.
Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh không chỉ là cửa ngõ giao thương lý tưởng, cầu nối quan trọng giúp các nhà đầu tư, du khách đến Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ thuận tiện hơn, mà còn là cửa ngõ giao thông hàng không quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng. Nhà ga mới đi vào khai thác đã mở ra cơ hội phát triển về nhiều mặt cho Khánh Hòa và các tỉnh lân cận, cũng như thu hút các nhà đầu tư.
Năm 2007, Cam Ranh phục vụ 500.000 lượt khách thông qua, xếp thứ 5 về sản lượng hành khách trong hệ thông các cảng hàng không Việt Nam, đạt 36.08% so với năm 2006.
Tháng 06/2008, cảng hàng không Cam Ranh được trang bị hệ thống trang thiết bị phụ trợ đáp ứng năng lực phục vụ các chuyến bay ban đêm, sản lượng phục vụ hành khách cả năm là 683.000 lượt, đạt 36.03% so với năm 2007.
Năm 2011, đạt 1.000.000 lượt khách, giữ vị trí thứ 4 trong hệ thống cảng hàng không Việt Nam tính theo số lượng khách thông qua.
Với tỷ lệ tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước, cảng hàng không quốc tế Cam Ranh được đánh giá là một trong những cảng hàng không có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định của ACV.
4. Định hướng phát triển:
Đánh giá cao vị trí chiến lược của CHKQT Cam Ranh, ngày 14-7-2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch CHKQT Cam Ranh giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với khả năng tiếp nhận các loại máy bay: Airbus 320, 321, 300-600, Boeing 767, 777, 747 và tương đương; sử dụng 2 đường cất, hạ cánh; năm 2020 mở rộng sân đỗ máy bay đảm bảo 32 chỗ đỗ; năm 2030 mở rộng đạt 36 chỗ. Nhà ga hành khách giai đoạn đến năm 2030 mở rộng đạt 3.800 hành khách/giờ cao điểm, tương đương 8 triệu hành khách/năm, với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng.
Định hướng này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đến việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội không những của Khánh Hòa mà còn của khu vực Nam Trung Bộ và từng bước thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và giao lưu kinh tế quốc tế.