Sau 19 tháng thi công, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của 1 dự án lớn nằm ở khu vực xa khu dân cư, trong điều kiện thời tiết phức tạp, trong đó có cả cơn bão mạnh nhất trong hơn thập kỷ qua; đến nay công trình nhà ga quốc tế Cam Ranh đã hoàn thành và chính thức được đưa vào khai thác.
Việc đưa vào khai thác nhà ga quốc tế Cam Ranh sẽ kịp thời đáp ứng nhu cầu giải quyết tình trạng quá tải của nhà ga T1 hiện hữu, đồng thời góp phần vào việc kết nối sâu rộng của tỉnh Khánh Hòa nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế.
Nhà ga quốc tế Cam Ranh có kiến trúc độc đáo, lấy cảm hứng từ tổ chim Yến, 1 sản phẩm đặc trưng của tỉnh Khánh Hòa. Không chỉ thể hiện biểu tượng của địa phương, mái nhà với thiết kế vươn rộng, phần lấy sáng đặt tại đỉnh mái còn giải quyết vấn đề thích nghi khí hậu ven biển, và là điểm nhấn lấy sáng cũng như tạo hình khối nghệ thuật vào ban đêm. Với tổng diện tích sử dụng 50,500 mét vuông, được đầu tư và áp dụng nhiều máy móc, công nghệ thông minh trong việc điều hành quản lý sân bay không thua kém những sân bay quốc tế hàng đầu trong khu vực
Bắt nhịp với tình hình phát triển và hoạt động của nhà ga quốc tế, với vị trí là người khai thác Cảng, ngay từ thời gian đầu lắp đặt thiết bị, máy móc; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (TCT Cảng HKVN) đã cử cán bộ kỹ thuật của Cảng HKQT Cam Ranh sang phối hợp và nắm bắt trang thiết bị mới, đảm bảo vận hành tốt các trang thiết bị do mình khai thác và quản lý. Lực lượng An ninh hàng không cũng đã kịp thời tiếp quản một cách chặt chẽ, đúng quy trình, đảm bảo yêu cầu phục vụ an ninh theo tiêu chuẩn quốc tế của nhà ga mới.
Dự kiến nhà ga sẽ đón tiếp 2,4 -4,8 triệu lượt hành khách quốc tế vào cuối năm 2018, và sau khi hoàn tất giai đoạn 2, nhà ga sẽ đạt công suất 6-8 triệu khách/ năm vào năm 2030.
Tin, ảnh: Anh Tuấn – Đăng Tiền