Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đánh dấu cột mốc trọng đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; chấm dứt ách thống trị của thế lực xâm lược thực dân, phát xít, song song đó cũng đánh dấu sự kết thúc chế độ phong kiến quân chủ ở Việt Nam.
Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam, chính thức tuyên bố trước thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, khẳng định quyền độc lập, tự do dân tộc, khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Tuyên ngôn Độc lập không chỉ kết tinh các giá trị truyền thống anh hùng, bất khuất, tinh thần và ý chí đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, tự do mà còn khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới; đồng thời khích lệ nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc cùng nhau đứng lên chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc.
Với Tuyên ngôn Độc lập, đã khẳng định một đất nước Việt Nam anh dũng, quật cường, luôn hướng đến tương lai tươi sáng, hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trải qua cuộc đấu tranh đầy gian khó ấy, luôn có Đảng lãnh đạo, với một đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, và phát huy sức mạnh toàn dân tộc để Việt Nam vững tin “lấy lại tên trên bản đồ thế giới”. Vì thế, Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là một mốc son chói lọi, góp phần làm rạng rỡ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta mà còn làm cho nền văn hiến Việt Nam: “Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững/Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa/Trong và thật, sáng hai bờ suy tưởng/Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hòa” được khẳng định, lan tỏa và trường tồn.