Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người sinh ra từ chân lí. Người là kết tinh và toả sáng những gì ưu tú nhất, tốt đẹp nhất của trí tuệ và đạo đức Việt Nam. Người đã dành trọn cuộc đời, tâm huyết của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

Mặc dù Người đã đi xa, nhưng cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Người đã trở thành bất tử. Phẩm chất và đạo đức của Người mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho dân tộc Việt Nam noi theo. Hình ảnh về một vị lãnh tụ vĩ đại, đáng kính sẽ mãi vĩnh hằng trong trái tim mỗi thế hệ người Việt Nam và cả bạn bè quốc tế. 

Nhân kỷ niệm 133 ngày sinh của Bác, chúng ta hãy cũng nhau đọc lại một số mẩu chuyện ngắn về Bác dưới đây, để từ đó cảm nhận nhiều hơn về vị Cha già kính yêu của dân tộc, để chúng ta luôn biết ơn và trân trọng hơn với từng phút giây được sống, được học tập và làm theo lời Bác. 

Mẩu chuyện 1: TỪ ĐÔI DÉP ĐẾN CHIẾC XE Ô TÔ
(Trích trong Bác Hồ với chiến sĩ , NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994) 

Đôi dép của Bác "ra đời" vào năm 1947, được "chế tạo" từ một chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị bộ đội ta phục kích tại Việt Bắc.
Đôi dép đo cắt không dày lắm, quai trước to bản, quai sau nhỏ rất vừa chân Bác. Trên đường công tác, Bác nói vui với mà em cán bộ đi cùng:
- Đây là đôi hài vạn dặm trong truyện cổ tích ngày xưa... Đôi hài thần đất, đi đến đâu mà chẳng được.
Chẳng những khi "hành quân" mà cả mùa đông, Bác đi thêm đôi tất cho ấm chân, tiếp khách trong nước, khách quốc tế vẫn thường thấy Bác đi đôi dép ấy.
Gặp suối hoặc trời mưa trơn, bùn nước vào dép khó đi, Bác tụt dép xách tay. Đi thăm bà con nông dân, sải chân trên các cánh đồng đang cấy, đang vụ gặt, Bác lại xắn quần cao lội ruộng, tay xách đôi dép...
Mười một năm rồi vẫn đôi dép ấy... Các đồng chí cảnh vệ cũng đã đôi ba lần "xin" Bác đôi dép nhưng Bác bảo "vẫn còn đi được".
Năm 1960, Bác đến thăm một đơn vị Hải quân nhân dân Việt Nam. Vẫn đôi dép "thâm niên ấy". Bác đi thăm nơi ăn, chốn ở, trại chăn nuôi của đơn vị. Cán bộ và chiến sĩ rồng rắn kéo theo, ai cũng muốn chen chân, vượt lên để được gần Bác, Bác vui cười nắm tay chiến sĩ này, vỗ vai chiến sĩ khác. Bỗng Bác đứng lại:
- Thôi, các cháu dẫm làm tụt quai dép của Bác rồi...
Nghe Bác nói, cả đám dừng lại cúi xuống yên lặng nhìn đôi dép rồi lại ồn ào lên:
- Thưa Bác, cháu, để cháu sửa....
- Thưa Bác, cháu, cháu có "rút dép" đây...
Nhao nhác, ầm ĩ như thế, nhưng đồng chí cảnh vệ chỉ đứng cười vì biết đôi dép của Bác đã phải đóng đinh rồi; có "rút" cũng vô ích...
Bác cười nói:
- Cũng phải để Bác đến chỗ gốc cây kia, có chỗ dựa mà đứng đã chứ?
Đi đến bên gốc cây, một tay vịn vào cây, một chân co lên tháo dép ra, Bác bảo:
- Đây! Cháu nào giỏi thì chữa hộ dép cho Bác...
Một anh nhanh tay giành lấy chiếc dép, giơ lên nhưng ngớ ra, lúng túng. Anh bên cạnh liếc thấy, "vượt vây" chạy biến...
Bác phải giục:
- Ơ kìa, ngắm mãi thế, nhanh lên cho Bác còn đi chứ.
Anh chiến sĩ, lúc nãy chạy đi đã trở lại với chiếc búa con, mấy cái đinh:
- Tôi, để tôi sửa dép...
Mọi người dãn ra. Phút chốc, chiếc dép đã được chữa xong.
Những chiến sĩ không được may mắn chữa dép phàn nàn:
- Tại dép của Bác cũ quá, thưa Bác, Bác thay dép đi ạ...
Bác nhìn các chiến sĩ nói:
- Các cháu nói đúng... nhưng chỉ có đúng một phần... Đôi dép của Bác cũ nhưng nó chỉ mới tụt quai. Cháu đã chữa lại chắc chắn cho Bác thế này thì còn "thọ" lắm! Mua đôi dép khác chẳng đáng là bao, nhưng khi chưa cần thiết cũng chưa nên... Ta phải tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo...
Đôi dép cá nhân đã vậy, còn ô tô của Bác cũng thế!
Chiếc xe "Pôbêđa" sản xuất tại Liên Xô Bác vẫn đi, đã cũ, Văn phòng xin "đổi" xe khác, "đời mới" hơn, tốt hơn, nhưng Bác không chịu:
- Xe của Bác hỏng rồi à?
Anh em thưa rằng chưa hỏng, nhưng muốn thay xe để Bác đi nhanh hơn, êm hơn. Bác nói:
- Ai thích nhanh, thích êm thì đổi...
Hôm sau đến giờ đi làm, không biết là xe hỏng thật hay thế nào mà khi Bác đứng đợi bên xe rồi song xe cứ "ì" ra. Bác cười bảo đồng chí lái xe:
- Máy móc có trục trặc, chú cứ bình tĩnh sửa. Sửa xong Bác cháu ta đi cũng kịp...
Vài phút sau, xe nổ máy.
Bác lại cười nói với đồng chí lái xe, cảnh vệ:
- Thế là xe vẫn còn tốt!

Bài học kinh nghiệm: Bài học mà chúng ta rút ra được trong câu chuyện này chính là một lối sống giản dị, tiết kiệm ở Bác Hồ. Dù ở địa vị càng cao nhưng Người càng giản dị, trong sạch, cả một đời không xa xỉ, hoang phí. Cuộc đời của Bác là tấm gương sáng ngời về đức: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Nếp sống giản dị của Bác chính là tấm gương để mỗi người chúng ta noi theo. 

Mẩu chuyện 2: BA CHIẾC BA LÔ 
(Trích trong Bác Hồ - con người và phong cách , Sđd, tr.3 - NXB Chính trị quốc gia) 

Trong những ngày sống ở Việt Bắc, mỗi lần Bác đi công tác, có hai đồng chí đi cùng. Vì sợ Bác mệt, nên hai đồng chí định mang hộ ba lô cho Bác, nhưng Bác nói:
- Đi đường rừng, leo núi ai mà chẳng mệt, tập trung đồ vật cho một người mang đi thì người đó càng chóng mệt. Cứ phân ra mỗi người mang một ít.
Khi mọi thứ đã được phân ra cho vào 3 ba lô rồi, Bác còn hỏi thêm:
- Các chú đã chia đều rồi chứ?
Hai đồng chí trả lời:
- Thưa Bác, rồi ạ.
Ba người lên đường, qua một chặng, mọi người dừng chân, Bác đến chỗ đồng chí bên cạnh, xách chiếc ba lô lên.
- Tại sao ba lô của chú nặng mà Bác lại nhẹ?
Sau đó, Bác mở cả 3 chiếc ba lô ra xem thì thấy ba lô của Bác nhẹ nhất, chỉ có chăn, màn. Bác không đồng ý và nói:

Chỉ có lao động thật sự mới đem lại hạnh phúc cho con người.

Hai đồng chí kia lại phải san đều các thứ vào 3 chiếc ba lô

Bài học kinh nghiệm: Qua câu chuyện trên, Bác đã dạy cho chúng ta là trong cuộc sống cần phải biết san sẻ cùng nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn, đừng dựa vào quyền cao chức rộng mà đàn áp kẻ yếu thế. Sống phải công bằng mới khiến lòng người khâm phục và nể trọng.

Mẩu chuyện 3: HAI BÀN TAY 
(Trích trong Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Trang 380, 381, NXB. Chính trị quốc gia)

Năm 1911, năm ấy Bác còn trẻ lắm mới khoảng 21 tuổi. Một hôm anh Ba - tên của Bác hồi ấy, cùng một người bạn đi dạo khắp thành phố Sài Gòn, rồi bỗng đột nhiên anh Ba hỏi người bạn cùng đi:
- Anh Lê, anh có yêu nước không ?
Người bạn đột nhiên đáp:
- Tất nhiên là có chứ!
Anh Ba hỏi tiếp:
- Anh có thể giữ bí mật không?
Người bạn đáp:
- Có
Anh Ba nói tiếp:
- Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, Tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng đi một mình, thật ra cũng có nhiều mạo hiểm, ví như đau ốm… Anh muốn đi với tôi không ?
Anh Lê đáp:
- Nhưng bạn ơi ! Chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi ?
- Đây, tiền đây – anh Ba vừa nói vừa giơ hai bàn tay .Chúng ta sẽ làm việc, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì mà sống và để đi. Anh cùng đi với tôi chứ ?
Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của Bác, người bạn đồng ý. Nhưng sau khi suy nghĩ kĩ về cuộc đi có vẻ phiêu lưu, anh Lê không có đủ can đảm để giữ lời hứa. Còn Bác Hồ đã đi ra nước ngoài bằng chính đôi bàn tay của mình. Bác đã làm nhiều nghề khác nhau : Phụ bếp, bồi bàn, quét tuyết… và đi khắp năm châu, bốn biển để tìm con đường cứu dân, cứu nước khỏi ách đô hộ của thực dân phong kiến, giải phóng cho dân tộc.

Bài học kinh nghiệm: Câu chuyện ngắn gọn nhưng nhắc nhở chúng ta rằng, một ý chí kiên định, dũng cảm và sáng suốt, dám nghĩ dám làm sẽ mang đến cho ta những điều bất ngờ, có khi là cả sự thành công. 

Mẩu chuyện 4: GIỮ LỜI HỨA 
(Trích trong Kể chuyện Bác Hồ - Theo Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh, tr.30-32 NXB Thanh niên 1999)

Hồi ở Pác Bó, Bác Hồ sống rất chan hòa với mọi người. Một hôm được tin Bác đi công tác xa, một trong những em bé thường ngày quấn quýt bên Bác chạy đến cầm tay Bác thưa:
- Bác ơi, Bác đi công tác về nhớ mua cho cháu một chiếc vòng bạc nhé!
Bác cúi xuống nhìn em bé âu yếm, xoa đầu em khẽ nói:
- Cháu ở nhà nhớ ngoan ngoãn, khi nào Bác về Bác sẽ mua tặng cháu.
Nói xong Bác vẫy chào mọi người ra đi. Hơn hai năm sau Bác quay trở về, mọi người mừng rỡ ra đón Bác. Ai cũng vui mừng xúm xít hỏi thăm sức khỏe Bác, không một ai còn nhớ đến chuyện năm xưa. Bỗng Bác mở túi lấy ra một chiếc vòng bạc mới tinh trao tận tay em bé – bây giờ đã là một cô bé. Cô bé và mọi người cảm động đến rơi nước mắt. Bác nói:
- Cháu nó nhờ mua tức là nó thích lắm, mình là người lớn đã hứa thì phải làm được, đó là "chữ tín". Chúng ta cần phải giữ trọn niềm tin với mọi người. 

Bài học kinh nghiệm: Từ câu chuyện kể trên, chúng ta có thể thấy Bác đã giữ trọn lời hứa của mình ngay với cả một em bé. Điều đó chứng tỏ Bác vô cùng coi trọng chữ tín. Giữ chữ tín là phẩm chất cao quý trong đời sống xã hội cho nên việc bội tín không chỉ làm xấu bản thân mà con gây tác hại đối với người khác. Lòng tin bắt nguồn từ xã hội hướng tới cái thiện, chữ tín trở thành phạm trù đạo đức trong quan hệ ứng xử giữa con người với con người.

Bác Hồ chia kẹo cho các cháu thiếu nhi (Ảnh sưu tầm)
Bác Hồ chia kẹo cho các cháu thiếu nhi (Ảnh sưu tầm)

Mẩu chuyện 5: BÁC HỒ VỚI CHIẾN SĨ NGƯỜI DÂN TỘC 
(Trích trong Tấm lòng của Bác , NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2005).

Anh hùng La Văn Cầu, dân tộc Tày mãi mãi không quên bữa cơm của Bác "đãi" với rau, thịt gà… những "sản phẩm" do chính Bác nuôi, trồng. Bác hỏi thăm mẹ Cầu, gửi quà cho mẹ, dặn cán bộ tạo mọi điều kiện để Cầu về thăm mẹ, giúp đỡ gia đình.
Nhiều chiến sĩ người dân tộc đã lấy họ Hồ cho mình như Hồ Vai, Hồ Can Lịch, Hồ Văn Bột... Mùa thu năm 1964, chị Choáng Kring Thêm - chiến sĩ người dân tộc Cà Tu, tham gia đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được ra miền Bắc, gặp Bác Hồ. Chị Thêm kể: "Đoàn chúng tôi vừa bước xuống xe thì đã thấy Bác đứng chờ ngay ngoài sân.
Bác ôm hôn thắm thiết các thành viên trong đoàn. Chúng tôi theo Bác đến dãy bàn tiếp khách kê ngay ngoài vườn đầy hoa và nắng. Thấy tôi mặc bộ quần áo dân tộc, Bác nói:
- Cháu đúng là con gái dân tộc Cà Tu giữ được tính chất của dân tộc mình. Chị Ngân, chị Cao gặp Bác, mừng quá khóc lên. Bác dịu dàng bảo:
- Các cháu gái đừng khóc. Gặp Bác phải vui chứ. Hai cháu hãy kể cho Bác nghe bà con ta ở tiền tuyến đánh Mỹ như thế nào?
Tôi thưa:
- Thưa Bác, cháu thương, cháu nhớ Bác. Tất cả đồng bào dân tộc miền Nam đều thương nhớ Bác. Sau đó tôi kể Bác nghe một số chuyện chiến đấu của mẹ Giớn, anh Bên, em Thơ...Bác nói:
- Cuộc kháng chiến của đồng bào miền Nam ta là toàn dân, toàn diện. Trẻ, già, gái, trai, Kinh, Cà Tu, Cà Tang và đồng bào các dân tộc khác đều sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi".
Tôi hiểu đó là Bác dành tình thương mênh mông của Bác cho tất cả chúng ta.

Bài học kinh nghiệm: Câu chuyện ngắn gọn nhưng cho chúng ta nhiều bài học lớn: Bài học về tình cảm, sự quan tâm đối với các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam; bài học về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc để có thành công lớn... Điều chúng ta phải quan tâm là làm gì để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt là việc đề ra các chính sách đối với các dân tộc thiểu số, quan tâm đến các vùng sâu, vùng xa để tạo ra sức mạnh to lớn của cả dân tộc, xây dựng đất nước giàu đẹp, mọi người dân đều ấm no, hạnh phúc.