Tên tiếng anh: ThoXuan Airport (TXA).

Địa chỉ: Sân bay Sao Vàng, Thị Trấn Sao Vàng, Thọ Xuân, Thanh Hóa.

Điện thoại: (0373) 830.668   Fax: 0373 830.898

Mã cảng hàng không  - code ICAO: VVTX; 
Code IATA: THD

Đường hạ cất cánh (Runway): 01 đường cất hạ cánh với kích thước: 3200m x 50m.
Sân đỗ tàu bay (Apron): 06 vị trí đậu tàu bay A320/321.

Tổng diện tích sử dụng nhà ga: 5.460 m2

 Năng lực thông qua:  1.200.000 lượt hành khách/năm.

 

Cảng hàng không Thọ Xuân được đưa vào khai thác hàng không dân dụng từ ngày 05/2/2013. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển và hoàn thiện hệ thống giao thông của Thanh Hóa, góp phần thay đổi vị thế của tỉnh, góp phần thu hút các nhà đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, du lịch, thương mại… tại địa phương.

Cảng hàng không Thọ Xuân là cầu nối giao thông hiện đại, phục vụ tốt nhất nhu cầu kết nối thương mại, đầu tư, du lịch và trao đổi văn hóa của nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói riêng và khu vực bắc Trung bộ nói chung với TP.HCM, trung tâm kinh tế của cả nước; kết nối các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhằm thu hút đầu tư cũng như khai thác tiềm năng du lịch phong phú trên địa bàn.

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

Giai đoạn từ 05/2/2016 – đến 30/01/2016:

Cảng hàng không Thọ Xuân hay sân bay Thọ Xuân là một sân bay hỗn hợp quân sự-dân dụng ở thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách 45 km về phía tây thành phố Thanh Hóa. Đây là sân bay quân sự cấp I, căn cứ của Trung Đoàn tiêm kích - Bom 923 (Đoàn Yên Thế). Ban đầu có một đường băng dài 3200 m. Theo đề án được Tỉnh Thanh Hóa lập ra vào năm 2012, Cảng hàng không Thọ Xuân sẽ được quy hoạch để phục vụ hàng không dân dụng kết hợp. Đề án đã được các bên liên quan phê duyệt và cấp quyết định đầu tư.

            Từ cơ sở hạ tầng dành cho quân sự của Sân bay Sao Vàng trước đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư nâng cấp thành Cảng hàng không Thọ Xuân đáp ứng khai thác hàng không dân dụng, với hệ thống đường lăn, sân đỗ, đường cất hạ cánh bảo đảm khai thác các máy bay quân sự và dân sự;

            Ngày 5 tháng 2 năm 2013, chuyến bay đầu tiên giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Thanh Hóa đã hạ cánh xuống Cảng hàng không Thọ Xuân đánh dấu thời kỳ phát triển mới cho sân bay hỗn hợp quân sự-dân sự này. Sự ra đời của dịch vụ hàng không dân dụng cũng đã thay đổi tên gọi, từ Sân bay quân sự Sao Vàng thành cảng hàng không Thọ Xuân. Sự kiện này có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh Thanh Hóa.

                       Năm 2013, Cảng hàng không Thọ Xuân phục vụ 90.929 lượt khách, năm 2014 phục vụ 163.270 lượt khách, năm 2015 phục vụ 570.713 lượt khách, tăng hơn 249% so với năm 2014, tăng 528% so với năm 2013.

Giai đoạn từ 30/01/2016:

            Khu hàng không dân dụng Cảng hàng không Thọ Xuân đã đưa vào khai thác,  Cảng HK Thọ Xuân chuyển toàn bộ hoạt động hàng không dân dụng sang nhà ga mới.

            Hiện tại, có 03 hãng hãng hàng không bao gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific đang khai thác đường bay SGN-THD-SGN, BMV-THD-BMV với tần suất 100 lượt chuyến HCC/tuần.

            Kế hoạch mở đường bay mới và tăng chuyến: Từ ngày 21/5/2016, Vietjet sẽ tăng tần suất đường bay Thanh Hóa – Hồ Chí Minh lên 08 lượt HCC/ngày và mở đường bay Thanh Hóa – Nha Trang từ ngày 06/6/2016.

CƠ SỞ HẠ TẦNG:

            Cảng hàng không Thọ Xuân được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn cấp 4C của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), có đường hạ cất cánh 50m x 3200 m, đường lăn song song kích thước 3.200 m x 25m; Nhà ga hành khách có diện tích 5.460 m2, công suất phục vụ 1.200.000 hành khách/năm.

            Theo quy hoạch đến năm 2020: xây dựng nhà ga hành khách có diện tích 5.000 m2, 1,5 cao trình, công suất 600 hành khách/giờ cao điểm; giai đoạn đến năm 2030: mở rộng nhà ga hành khách có diện tích 7.500 m2, 1,5 cao trình, công suất 1.000 hành khách/giờ cao điểm.

            1. Nhà ga hành khách

            Nhà ga hành khách Cảng hàng không Thọ Xuân là nơi diễn ra các hoạt động cung ứng phục vụ hành khách đi, đến và các hoạt động thương mại tại cảng hàng không với công suất thông qua 1.200.000 hành khách/năm, 600 hành khách giờ cao điểm.

            2. Hệ thống sân đường.

Cảng hàng không Thọ Xuân có 01 đường cất hạ cánh theo hướng Đông Nam – Tây Bắc với tên gọi 13/31 với các thông số kỹ thuật như sau:

  • Kích thước: 3.200 m × 50 m.
  • Hướng từ: 128° – 308°

3. Sân đỗ

Sân đỗ máy bay khai thác hàng không dân dụng của Cảng hàng không Thọ Xuân có 06 vị trí đỗ, trong đó 05 vị trí đỗ dành cho tàu bay A320/A321 và tương đương trở xuống, 01 vị trí đỗ dành cho tàu bay B777 và tương đương trở xuống.

Phần sân đỗ mới bằng bê tông xi măng, sức chịu tải công bố PCN = 63/R/A/W/T, kích thước 250,4 m × 135 m gồm 03 vị trí đỗ số 1, 2, 3, trong đó vị trí số 1 dành cho tàu bay B777 và tương đương trở xuống (khi khai thác máy bay B777 phải hạ tải xuống còn 85%), vị trí số 2, 3 dành cho tàu bay A320/A321 và tương đương trở xuống.

Phần sân đỗ cũ bằng bê tông xi măng, sức chịu tải công bố PCN = 38/R/B/X/T, kích thước 253 m × 70 m gồm 03 vị trí đỗ số 4, 5, 6 dành cho tàu bay A320/A321 và tương đương trở xuống.

            4. Đường lăn

Cảng hàng không Thọ Xuân có 01 đường lăn chính SP song song với đường CHC về phía Nam, tim đường lăn cách tim đường CHC 187,79 m và 09 đường lăn nối được ký hiệu: S1, S2, S3, S4, S5, S6, A1, A2, A3 theo hướng từ Tây sang Đông.

  • Loại mặt đường, sức chịu tải: Tất cả các đường lăn có mặt phủ bằng bê tông xi măng.
  • Kích thước, sức chịu tải:
  • Đường lăn chính SP: kích thước 3.200 m × 25 m, sức chịu tải  PCN = 59/R/B/X/T.
  • Đường lăn S1: dài 108 m, rộng 25 m, sức chịu tải  PCN = 62/R/B/X/T.
  • Đường lăn S2: dài 320 m, rộng 20 m, sức chịu tải  PCN = 63/R/B/X/T.
  • Đường lăn S3: dài 160 m, rộng 20 m, sức chịu tải  PCN = 61/R/B/X/T.
  • Đường lăn S4: dài 160 m, chiều rộng 20 m, sức chịu tải PCN = 31/R/B/X/T (đường lăn S4 không đảm bảo cho việc khai thác hàng không dân dụng, hiện không khai thác).
  • Đường lăn S5: dài 160 m, rộng 20 m, sức chịu tải PCN = 59/R/B/X/T.
  • Đường lăn S6: dài 180 m, rộng 25 m, sức chịu tải PCN = 67/R/B/X/T.
  • Đường lăn A1: dài 100 m, rộng 25 m, sức chịu tải PCN = 59/R/B/X/T.
  • Đường lăn A2: dài 100 m, rộng 25 m, sức chịu tải PCN = 59/R/B/X/T.
  • Đường lăn A3: dài 100 m, rộng 25 m, sức chịu tải PCN = 59/R/B/X/T.