Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Hàng không dân dụng Việt Nam (15/01/1956 – 15/01/2021), ngày 15-16/01/2021, Đoàn Thanh niên ACV đã tham gia chương trình về nguồn, tham quan học tập do Đảng ủy - BCH Công đoàn - Đoàn thanh niên Cảng HKQT Nội Bài tổ chức tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) từng là “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cách Cảng HKQT Nội Bài 100 km về hướng Tây Bắc, vượt qua những nương ngô xanh ngát, những ngọn đồi trập trùng mờ hơi sương, trong cái se lạnh của những ngày giáp tết, Sân bay Lũng Cò,  xã Minh Thanh, Sơn Dương, Tuyên Quang - Sân bay "quốc tế" đầu tiên của Hàng không dân dụng Việt Nam hiện ra giữa khoảng không mênh mông, nơi tấm bia còn ghi dấu những chứng tích lịch sử ngày ấy khiến chúng tôi cảm giác bâng khuâng xen lẫn tự hảo.

Đoàn công tác chụp hình lưu niệm tại Sân bay Lũng Cò

Trong thời gian chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, sau khi bắt được liên lạc với Đồng Minh chống phát xít Nhật ở Đông Dương, tháng 7 năm 1945, Bác Hồ giao nhiệm vụ cho đồng chí Đàm Quang Trung và đồng chí Lê Giản tìm địa điểm thích hợp để xây dựng một sân bay dã chiến có thể đón nhận được máy bay chở hàng viện trợ của quân Đồng Minh cho Cách mạng Việt Nam. Vị trí được chọn làm sân bay là một thung lũng khá bằng phẳng; có các dãy núi bao quanh, thuộc xóm Cò, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; dân địa phương thường gọi là Lũng Cò (khi sân bay được xây dựng xong, bà con ở đây thường gọi là sân bay Lũng Cò hay sân bay Đồng Don)

Lũng Cò có lẽ là sân bay được xây dựng nhanh nhất trên thế giới. Chỉ trong 2 ngày, 35 chiến sĩ giải phóng quân cùng dân quân du kích và bà con các dân tộc thuộc làng bản hai xã Bình Yên, Trung Yên đã phát quang cây cỏ, san gạt nền đất Lũng Cò, làm xong một đường cất hạ cánh dài 400 mét, rộng 20 mét, để loại máy bay L-5 của Không quân Mỹ có thể cất hạ cánh được..

Chiếc máy bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Lũng Cò chở theo hai sỹ quan quân Đồng Minh và một số lương thực, thuốc men tăng cường cho lực lượng quân Đồng Minh tại Tân Trào. Trong suốt thời gian quân Đồng Minh làm việc tại đây, có thêm một số chuyến bay cất, hạ cánh tại sân bay Lũng Cò, chủ yếu đưa đón quân Đồng Minh và vận chuyển cho ta thuốc men, vũ khí từ Côn Minh (Trung Quốc) sang Tân Trào.

Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ thì các chuyến bay của quân Đồng Minh không được thực hiện nữa. Lũng Cò là sân bay do chính chúng ta xây dựng nên, hoạt động của nó tuy ngắn ngủi nhưng có ý nghĩa to lớn và góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Lũng Cò được coi như sân bay “quốc tế” đầu tiên của Hàng không dân dụng Việt Nam.

Từ sân bay Lũng Cò với cơ sở vật chất sơ khai, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam đã từng bước phát triển và lớn mạnh như ngày hôm nay.

Một số hình ảnh của chuyến đi về nguồn, tham quan học tập do Đảng bộ Cảng HKQT Nội Bài tổ chức tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào:

Chụp ảnh lưu niệm tại Di tích cây đa Tân Trào

Đoàn công tác dâng hương tại Di tích lán Nà Nưa

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Di tích lán Nà Nưa

Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, ngày 09/01/2021, Đoàn Thanh niên ACV phối hợp với Cảng HKQT Nội Bài đồng hành cùng Đoàn Thanh niên Cục Hàng không Việt Nam thăm hỏi, trao quà gia đình ông Nguyễn Đức Việt (tên thật là Verner Schulze) sinh năm 1920, từng là phi công hàng binh người Đức sau Thế chiến thứ II bị quân Pháp bắt và làm lính lê dương sang tham chiến tại Việt Nam.

Thăm hỏi và tặng quà cho gia đình ông Nguyễn Đức Việt (tên thật là Verner Schulze)

Cuối năm 1945, ông đã cùng một số binh sĩ chủ động chạy sang hàng ngũ Việt Minh, tình nguyện phục vụ quân đội cách mạng. Năm 1947, ông làm công tác địch vận ở Quân khu 2 sau đó được điều về Cục Quân giới trực tiếp sản xuất vũ khí cho quân đội ta. Do nắm chắc kỹ thuật quân sự, nên ông đã chế tạo ra đạn AT chống tăng mà quân ta rất cần. Thành tích ấy mang lại vinh dự lớn cho ông được gặp Bác Hồ. Bác đã tặng Verner Schulze một bộ quần áo lụa và cái tên Nguyễn Đức Việt cũng là do Bác Hồ đặt cho, với ý nghĩa xây dựng mối đoàn kết hữu nghị lâu dài giữa hai quốc gia Việt – Đức.

Đoàn Thanh niên ACV