· Tên tiếng Anh: Buon Ma Thuot Airport (BMA)
· Địa chỉ: Xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak;
· Điện thoại: 05003.862248; 05003.862075;
· Fax: 05003.862086;
· AFTN: VVBMYDYX
· SITA: BMVKPXH
· Mã cảng hàng không (code): BMV
· Nhà ga hành khách (Passenger) : 7.175m2
· Đường hạ cất cánh (Runway): 01 đường cất hạ cánh kích thước: 3.000m x45m.
· Đường lăn : 01 đường lăn vuông góc với đường HCC kích thước : 209m*18m
· Sân đỗ tàu bay (Apron) diện tích: 32.588,8 m2có 05 vị trí đậu đỗ
· Giờ phục vụ: 24h/24h.
Cảng hàng không Buôn Ma Thuột đóng một vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông tại tỉnh Đak Lak và khu vực Tây nguyên, là một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ bảo vệ biên giới các tỉnh Tây Nguyên của Tổ Quốc;
1.Vị trí:
Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đak Lak cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 8 km về phía Đông Nam.
Điểm quy chiếu sân bay: Là giao điểm giữa tim đường HCC 09/27 và tim đường lăn có tọa độ (theo hệ WGS-84) là: 12º40’06”.18N – 108º06’59”.65E độ cao trung bình so với mực nước biển là: 530 mét;
Cảng hàng không Buôn Ma Thuột giáp ranh với các thôn, buôn xã Hòa Thắng – TP. Buôn Ma Thuột; xã Hòa Đông huyện KrôngPac tỉnh Đak Lak:
+ Phía Bắc giáp thôn 10, thôn 11 xã Hòa Thắng,
+ Phía Đông giáp buôn Ea chuKap xã Hòa Thắng, buôn EaKmat xã Hòa Đông huyện KrôngPac,
+ Phía Nam giáp thôn 7, thôn 8 xã Hòa Thắng;
+ Phía Tây giáp thôn 1, thôn 3, Buôn Comleo xã Hòa Thắng;
2.Quá trình hình thành và phát triển:
Sân bay Buôn Ma Thuột do người Pháp xây dựng năm 1950. Năm 1968 Mỹ Ngụy phục hồi lại và đưa vào sử dụng năm 1970 với chức năng là căn cứ chỉ huy không quân Ngụy để thay cho Sân bay L19 tại thị xã Buôn Ma Thuột – tỉnh Đăk Lăk (với tên gọi đầu tiên là Sân bay Phụng Dực hay Hòa Bình). Cơ sở hạ tầng của sân bay Buôn Ma Thuột giai đoạn này gồm có:
– Đường hạ, cất cánh (HCC) kích thước: 1.800m x 30m bằng bê tông nhựa bán thâm nhập;
– Đường lăn: vuông góc đường HCC kích thước 209mx15m bằng bê tông nhựa bán thâm nhập;
– Sân đỗ tàu bay: Có kích thước: 128m x 120m bằng bê tông nhựa bán thâm nhập;
Hòa bình lập lại, ngày 10/3/1977 Nhà nước đã mở lại các đường bay từ: Buôn Ma Thuột đi TP.Hà Nội, TP.Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và ngược lại với chức năng là Sân bay hàng không dân dụng. Hoạt động khai thác tại Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thực sự nhộn nhịp bắt đầu từ năm 2000 trở lại đây cùng với chủ trương mở cửa, đổi mới của Đảng và Nhà nước. Để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, trong các năm qua Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (nay là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) đã đầu tư nhiều kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động bay tại Cảng hàng không Buôn Ma Thuột. Cụ thể:
Năm 2003, cải tạo và mở rộng đường HCC, đường lăn, sân đỗ tàu bay; lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu khu bay để tiếp nhận các loại máy bay tầm trung như A320, A321 và tương đương cả ngày lẫn đêm. Cơ sở hạ tầng được cải tạo gồm:
– Đường HCC: mở rộng, kéo dài đường HCC đạt kích thước: 3.000mx 45m
– Đường lăn mở rộng 2 bên đạt kích thước: 209mx18m
– Sân đỗ tàu bay mở rộng thêm đạt kích thước: 128m x179 m;
Năm 2010, khởi công dự án “Xây dựng Nhà ga hành khách mới” công suất thiết kế đạt một triệu khách/năm. Ngày 24/12/2011, Tổng công ty Cảng hàng không Miền Nam đã long trọng tổ chức khánh thành đưa nhà ga mới vào khai thác.
Thành phố Buôn Ma Thuột với vị trí địa lý mang tầm chiến lược đặc biệt, vốn được mệnh danh là Thủ phủ của Tây Nguyên nên Cảng hàng không Buôn Ma Thuột được xây dựng với chức năng dùng chung cho hàng không dân dụng và nhu cầu quân sự (theo quyết định số 977/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải).
3.Cơ sở hạ tầng:
3.1. Đường cất hạ cánh (CHC)
Cảng hàng không Buôn Ma Thuột có 01 đường hạ, cất cánh (HCC) kích thước: 3.000m x 45m. Với các thông số như sau:
– Hướng từ: 093º – 273º
– Cấp sân bay: 4C
– Cửa ra vào: 09/27
– Độ dốc dọc đường HCC:
+ Từ đầu 09 – 1.780m: + 0,55%
+ Từ 1.220m – đầu 27: + 0,34 %
– Độ dốc ngang đường HCC: 1,8%
– Toạ độ ngưỡng theo WGS-84
Đầu 09: 12º40’06”.78N – 108º06’23”.27E;
Đầu 27: 12º40’05”.14N – 108º08’02”.65E.
– Loại mặt đường: Bê tông nhựa có sức chịu tải PCN:45/F/B/X/T
– Các cự ly công bố của dường HCC 09/27:
Đoạn chạy lấy đà (TORA): 3.000m;
Cự ly có thể cất cánh (TODA): 3200m;
Cự ly có thể dừng khẩn cấp (ASDA): 3.100m;
Cự ly có thể hạ cánh (LDA): 3.000m.
– Dải bay: 3.200m x 2 x150m,
– Đoạn bảo hiểm 02 đầu đường HCC: 200mx150m,
– Lề đường cất hạ cánh: Độ rộng 7,50m, bằng bê tông nhựa.
– Dải bảo hiểm sườn: 3.000m x 52,5m. Hai bên, bằng đất nện K0.95, phủ cỏ
– Dải hãm phanh (SWY) ở 2 đầu đường HCC bằng BTN kích thước: 100m x 45m;
3.2. Đường lăn:
Cảng hàng không Buôn Ma Thuột có một đường lăn vuông góc với đường hạ cất cánh nối liền giữa đường HCC và sân đỗ tàu bay có các thông số như sau:
– Chiều dài: 209 m (tính từ tim đường HCC đến sân đỗ tàu bay);
– Chiều rộng: 18m
– Loại mặt đường: Bê tông nhựa có sức chịu tải PCN:45/F/B/W/T.
– Bảo hiểm 02 bên sườn đường lăn: Bằng đất nện K0.95, phủ cỏ.
3.3. Sân đỗ tàu bay:
Cảng hàng không Buôn Ma Thuột có 01 sân đậu tàu bay nối đường lăn với nhà ga phục vụ hành khách; có các thông số như sau:
– Chiều dài: 254,6 mét
– Chiều rộng: 128 mét
– Loại mặt đường: Bê tông xi măng có sức chịu tải PCN:49/R/B/W/T
– Năng lực: Đủ chỗ cho 05 (năm) Máy bay như: A320, A321, ATR72, F70 và CRJ-900 đậu cùng một lúc;
– Trên sân đậu có 04 hố neo đã thiết kế sẵn phục vụ công tác neo tàu bay khi có bão, lốc xảy ra;
4. Nhà ga hành khách:
Nhà ga hành khách là nơi diễn ra các hoạt động cung ứng các dịch vụ phục vụ hành khách đi, đến và các hoạt động thương mại tại Cảng hàng không Buôn Ma Thuột với công xuất phục vụ theo thiết kế là 1,0 triệu hành khách/năm.
Nhà ga hành khách mới Cảng hàng không Buôn Ma Thuột được hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 12 năm 2012, gồm một tầng trệt và một tầng lửng. Nhà ga được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng khai thác hàng không và phi hàng không.
4.1: Tầng trệt:
Là nơi diễn ra các hoạt động cung ứng các dịch vụ hàng không và phi hàng không tại Cảng hàng không Buôn Ma Thuột với tổng diện tích 6.000 m2. Tầng trệt được phân chia thành 03 khu:
a) Sảnh phía trước nhà ga:
Là khu vực công cộng được bố trí 01 gian ngay chính giữa để phục vụ các món ăn nhẹ và giải khát. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động đưa, đón khách trên các chuyến bay. Tại sảnh này có bố trí những khu vực tiểu cảnh nhằm tôn tạo vẻ đẹp của nhà ga hành khách và để con người gần gũi với thiên nhiên hơn.
b) Khu vực ga đi:
Sau khi khách đến sảnh trước nhà ga sẽ có bộ phận nhân viên hàng không hướng dẫn khách có vé đi máy bay vào làm thủ tục tại quầy check-in. Khu vực ga đến được bố trí 10 quầy làm thủ tục kê thành 01 hàng dọc mặt hướng ra phía sảnh trước nhà ga thuận lợi cho hành khách đến làm các thủ tục hàng không trước khi vào khu vực cách ly. Phía bên phải ga đến bố trí 03 quầy của đại diện 03 hãng hàng không đang khai thác tại Cảng hàng không Buôn Ma Thuột (gồm: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air).
Tại khu vực khách đi có 01 phòng y tế, 01 khu vệ sinh dành cho hành khách khuyết tật, 01 khu vệ sinh công cộng phục vụ nhu cầu của khách. Sau khi hành khách làm xong các thủ tục hàng không sẽ tiếp tục qua khu kiểm tra an ninh và tới phòng cách ly (đi bằng cầu thang cuốn hoặc cầu thang máy lên tầng lửng);
c) Khu vực ga đến:
Hành khách xuống máy bay sẽ có nhân viên hàng không đón và hướng dẫn khách đi vào nhà ga. Trong khu vực ga đến có 01 phòng hành lý thất lạc, 01 khu vệ sinh công cộng, 01 khu vệ sinh dành cho người khuyết tật, 01 quầy thông tin du lịch , 01 quầy bán vé máy bay. Ga đến có 02 băng chuyền trả hành lý, 01 quầy transit khi hành khách xuống máy bay vào ga đến ra cửa nhà ga và nhập vào khu vực sảnh phía trước nhà ga;
d) Phòng VIP:
Bố trí bên cạnh khu vực kiểm tra an ninh hàng không; phía trước là hồ cá cảnh, mặt bên nhìn sau sân đậu tàu bay, trong phòng phục vụ các dịch vụ dành cho khách VIP.
4.2: Tầng lửng:
Là nơi hành khách đi máy bay đã làm xong các thủ tục hàng không được chờ tại khu vực này để ra cửa lên máy bay. Tại khu vực này có 04 cửa ra máy bay; 02 (hai) cửa ở 2 bên đầu hồi nhà ga, hai cửa tại tầng trệt ngay chính giữa tầng lửng. Tại đây có quầy phục vụ giải khát, quầy hàng lưu niệm, quầy tạp hóa và các khu vực vệ sinh công cộng thuận lợi cho hành khách khi có nhu cầu sử dụng.
Một số địa điểm du lịch nổi tiếng Buôn Ma Thuột
Biệt điện Bảo Đại
Tọa lạc ở vị trí gần trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, Biệt điện Bảo Đại nổi tiếng với kiến trúc đẹp và là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk.
Lịch sử di tích
Thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam, nơi đây nguyên là nhà làm việc của Công sứ tỉnh Đắk Lắk. Lúc đầu ngôi nhà được dựng lên bằng các vật liệu như gỗ, tranh, tre, nứa… Đến năm 1926, được xây dựng lại bằng gạch, đá, xi măng kiên cố và hoàn thành vào năm 1927 mang tên là Toà công sứ Pháp. Năm 1940 ngôi nhà được xây dựng lại theo lối kiến trúc Tây Nguyên kết hợp hiện đại. Mái ngói, sàn gỗ, phía dưới là tầng hầm bê tông. Khung cảnh yên ả với cây xanh và hương hoa, những cây cổ thụ vươn cánh tay khổng lồ làm bóng mát, quanh năm có tiếng lảnh lót của những chú chim.
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, chính quyền cách mạng đã sử dụng toà nhà này làm trụ sở của Hội đồng cố vấn cách mạng.
Trong thời kỳ thực dân Pháp trở lại xâm chiếm Việt Nam, vua Bảo Đại nhà Nguyễn đã đến đây để nghỉ ngơi, săn bắn. Từ đó toà nhà có thêm tên Biệt điện Bảo Đại và được quen gọi đến ngày nay.
Sau ngày đất nước thống nhất 1975 toà nhà được sử dụng làm Nhà khách của Tỉnh ủy Đắk Lắk để đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta.
Với ý nghĩa và tính chất lịch sử của công trình, ngày 26/01/1999 Bộ Văn hoá Thông tin đã ra quyết định số 02/1999-QĐ/BVHTT công nhận Biệt điện Bảo Đại (nhà số 04 Nguyễn Du) là di tích lịch sử cấp quốc gia thuộc quyền quản lý của Nhà nước.
Kiến trúc di tích
Kiến trúc mang đậm chất Tây Nguyên, Biệt điện được xây dựng trên một cồn đất nhân tạo có diện tích 2.135,8 m2, cao lên so với mặt sân gần 2m.
Nằm trong khuôn viên rộng lớn, tòa nhà được bao phủ bởi những cây cổ thụ có tuổi thọ từ 100 năm trở lên, đặc biệt là 02 cây long não trồng đối xứng ở hai bên có chu vi gốc trên 8m với tán lá bao trùm, che mát lối vào tòa nhà.
Với kiến trúc và cảnh quan đẹp, Biệt điện Bảo Đại thực sự là điểm tham quan lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Ngày nay, Biệt Ðiện trở thành di tích lịch sử, bảo tàng trưng bày hiện vật lịch sử văn hóa các dân tộc Ðắk Lắk. Cảnh thiên nhiên vẫn mang bóng dáng của ngàn xưa đã góp phần làm cho Biệt Ðiện mang đậm nét lịch sử của mảnh đất cao nguyên đầy huyền thoại.
Khu du lịch sinh thái Bản Đôn
Cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) chừng hơn 40km về phía Tây có một vùng đất từ lâu nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Đó là khu du lịch sinh thái Bản Đôn thuộc địa phận xã Krông Na, huyện Buôn Đôn – nơi chung sống của cộng đồng các sắc tộc: Ê Ðê, M’nông, Gia rai, Lào, Thái… Buôn Ðôn cũng đã và đang trở thành một thương hiệu nổi tiếng của du lịch Đắk Lắk và Tây Nguyên nói chung.
Buôn Ðôn là tên gọi theo tiếng Lào, nghĩa là làng Ðảo, vì luôn được lập bên cạnh con sông Sêrêpốk có nhiều đảo nhỏ nổi giữa dòng nước ngày đêm cuồn cuộn chảy. Một bên sông là cuộc sống cộng đồng buôn làng êm ả, một bên là rừng đại ngàn Yok Ðôn đầy bí ẩn, kỳ thú và như còn vang vọng những âm thanh hào hùng của các cuộc săn voi từ xa xưa. Dưới con mắt những nhà chuyên môn, Buôn Ðôn có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác cả hai loại du lịch: du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Nơi đây có Vườn quốc gia Yok Ðôn rộng hơn 100.000 ha là bảo tàng phong phú về động thực vật tự nhiên.
Từ Buôn Ma Thuột, du khách có thể đến Bản Đôn bằng ôtô hoặc xe máy trên những con đường rải nhựa. Phong cảnh Tây Nguyên trải dài trước mắt với những vườn cây ăn quả, cây cà phê mướt xanh và những cánh đồng ngô bạt ngàn.
Chẳng mấy chốc, Bản Đôn hiện lên với rực rỡ các sắc màu đủ loại trang phục thổ cẩm của đồng bào dân tộc M Nông, Ê Đê… Đây đó, ta bắt gặp những chú voi cao to ngạo nghễ dạo bước ngoan ngoãn dưới sự chỉ huy của người quản tượng. Tới đây, du khách không thể không đi một vòng cầu treo bắc qua sông Sêrêpốk – con sông duy nhất của Việt Nam chảy ngược về phía Tây; ngắm những cây si cổ thụ và nhìn dòng nước sùng sục cuồn cuộn chảy. Bên kia cầu là Vườn Quốc gia Yok Đôn điệp trùng, ẩn chứa nhiều sự kỳ thú.
Du khách cưỡi voi ở khu du lịch sinh thái Bản Đôn
Hiện nay, thương hiệu du lịch Buôn Đôn đang được 3 đơn vị khai thác. Từ Trung tâm huyện Buôn Đôn đi vào khoảng 15km, rẽ tay trái chừng 500m bạn sẽ gặp trước tiên là Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bản Đôn, đây là công ty đang khai thác Làng đảo Bản Đôn và thác Bảy Nhánh. Đến đây, quý khách được thưởng thức những cảnh đẹp tuyệt vời của Làng Đảo, cũng cầu treo, ngắm thác bảy nhánh, thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng Tây Nguyên trù phú và đặc biệt là được ngắm ngôi nhà dài hàng trăm mét của đồng bào Tây Nguyên.
Tạm biệt Làng đảo Bản Đôn, bạn đi thêm chừng 5km nữa là đến Trung tâm Du lịch Buôn Đôn do Công ty Du lịch và Khách sạn Biệt Điện quản lý. Tại đây, du khách được cưỡi voi tham quan cuộc sống buôn làng, nếu ai muốn có “cảm giác mạnh” thì cưỡi voi vượt sông Sêrêpốk để đến với vườn Quốc gia Yok Đôn. Bên cạnh những cảm giác thú vị ngồi lắc lư trên lưng voi, quý khách còn được thưởng thức một cảm giác mạnh khác là cái lắc lư nghiêng ngã của cầu treo Buôn Đôn, với chiếc cầu treo dài trên 100m bắc ngang lưng chừng những rặng si già vượt qua dòng sông dữ đến ốc đảo Ea Nô, với bãi tắm tiên, hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ… . Trên cầu treo, có những “mặt bằng” tươm tất và mát mẽ dành cho du khách nghỉ ngơi và ăn uống ngay trên mặt nước.
Ngoài các dịch vụ trên, bạn còn được tham quan nhà trưng bày các vật dụng sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số và các dụng cụ săn bắt voi; được nghe thuyết trình về lịch sử hình thành Buôn Đôn, các phong tục tập quán và nghệ thuật săn bắt và thuần dưỡng voi rừng rất nổi tiếng. Bên cạnh đó, bạn còn được tham quan nhà sàn cổ được xây dựng theo kiến trúc Lào đã tồn tại trên 120 năm qua hiện nay vẫn còn người sinh sống; được tham quan mộ Vua săn voi Khunjunob, đi thuyền độc mộc trên hồ Ea Rông, giao lưu văn hóa cồng chiêng với người dân tộc bản địa và thưởng thức các đặc sản ẩm thực Tây Nguyên như rượu cần, cơm lam, gà nướng, canh chua cá sông…
Chùa Khải Đoan – Ngôi danh lam sắc tứ ở Tây Nguyên
Đến thành phố Buôn Ma Thuột, khách du lịch thường đến viếng ngôi chùa lớn và nổi tiếng ở trung tâm thành phố – chùa Sắc tứ Khải Đoan. Chùa tọa lạc ở số 117 đường Phan Bội Châu, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Chùa thường được gọi là chùa Lớn hay chùa Tỉnh, hướng mặt Tây Nam, nhìn xuống suối Đốc Học. Khải Đoan là ngôi chùa Sắc tứ cuối cùng của nhà Nguyễn, là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật giáo thời kỳ Chấn hưng Phật giáo Việt Nam ở Tây Nguyên, vùng đất Hoàng triều cương thổ thời Bảo Đại. Chùa do Đoan Huy Hoàng thái hậu Hoàng Thị Cúc (chính phi của Vua Khải Định) cùng một số Phật tử phát tâm xây dựng và hiến cúng cho Giáo hội Tăng già Trung Việt. Hòa thượng Thích Trí Thủ cử trưởng tử là thầy Thích Đức Thiệu chỉ đạo việc xây cất chùa trên khu đất rộng gần 7 mẫu 8 sào 28m2 và làm trụ trì đầu tiên.
Năm 1951, chùa xây phần hậu tổ và nhà giảng, đến năm 1953 xây chính điện. Tên Khải Đoan là ghép từ hai chữ Khải Định – Đoan Huy. Ngày 29-6-1953 (19-5 năm Quý Tỵ), ngài Narada Thera (Tích Lan) đã cung thỉnh ngọc Xá lợi Phật dâng đức Từ Cung tại Buôn Ma Thuột. Dự lễ có Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, cùng chư tăng, Phật tử và đông đảo nhân dân chiêm bái Xá lợi Phật và đỉnh lễ cầu nguyện cho đất nước hòa bình.
Chùa được xây dựng bởi những bàn tay khéo léo của những người thợ cố đô Huế nên có kiến trúc nhà rường Huế xen lẫn với kiến trúc địa phương. Cổng chính theo hướng Tây Nam nhìn ra đường Quang Trung, hướng về thung lũng ‘Suối Đốc Học’. Trước và sau cổng đều ghi ‘Khải Đoan Tự’. Chánh điện là công trình chính của chùa với mặt bằng 320m2 được chia làm hai phần. Nửa phần trước mang dáng dấp nhà dài Tây Nguyên nhưng cấu trúc cột kèo theo kiểu nhà rường Huế. Nửa sau được xây theo lối hiện đại. Đáng chú ý nhất trong chánh điện là tượng Phật Thích Ca ở giữa và chiếc chuông đồng đặt ở gian bên phải. Tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao 1,1m, đài sen bằng gỗ cao 0,35m được trang trí công phu, chiếc chuông đồng cao 1,15m, chu vi đáy 2,7m, nặng 380Kg được đúc tháng 01.1954 (tức tháng Chạp năm Quý Tỵ).
Trải qua hơn nửa thế kỷ, chùa kế tục bảy đời trụ trì. Hòa thượng Thích Đức Thiệu trụ trì đầu tiên. Kế tục các đời trụ trì là : Hòa thượng Thích Từ Mãn, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Hòa thượng Thích Viên Đức, Thượng tọa Thích Quảng Hương, Hòa thượng Thích Quang Huy. Trụ trì hiện nay là Thượng tọa Thích Châu Quang, đương nhiệm Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đắk Lắk.
Năm 1986, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh được thành lập. Chùa được chọn đặt văn phòng Phật giáo của tỉnh cho đến nay. Chùa Khải Đoan là ngôi danh lam bậc nhất trên cao nguyên miền Trung.
Cổng Tam quan
Mặt tiền chùa
Hồ Lắk
Thay vì đi thuyền độc mộc theo cách bình thường, điều tuyệt vời nhất bạn có thể cảm nhận được ở hồ Lắk là di chuyển cùng voi trên hồ.
Hồ Lắk là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất ở Việt Nam – nằm ở huyện Lắk, cách TP Buôn Ma Thuột hơn 50km. Để khám phá vẻ đẹp tự nhiên của hồ Lắk, có hai lựa chọn: đi thuyền độc mộc hoặc ngồi trên mình voi. Thường mỗi chú voi cõng một quản tượng và hai người khách. Bạn sẽ có cảm giác mình như là trung tâm giữa một không gian hồ mênh mông rộng lớn, phóng tầm mắt ra xa sẽ dễ dàng chiêm ngưỡng cảnh đẹp của vùng này. Ngấn nước dần cao gần đến mắt voi, mọi người không nên lo lắng, hãy tự tin vào bàn tay của những người quản tượng.
Các chú voi sẽ bơi trên hồ để đưa khách thăm thú mọi vẻ đẹp của hồ Lak. Đây thực sự là một trải nghiệm thú vị dành cho bạn khi được bơi trên voi giữa hồ nước mênh mông. Nhiều người nhận xét, trải nghiệm này sẽ hơn nhiều việc lướt đều đều trên mặt nước bằng thuyền độc mộc. Hành trình dạo chơi hồ Lắk trên lưng voi thường kéo dài 30 phút, khách cũng có thể đàm phán trước nếu muốn có thêm thời gian khám phá vẻ đẹp huyền bí của hồ. Sau hành trình, bạn có thể tặng một nải chuối cho voi. Việc tận tay đưa chuối để voi dùng vòi cuốn lấy cũng là một cảm giác thú vị nên thử. Đặc biệt, ngoài khoản tiền vé, bạn không gặp sự phiền hà nào từ các quản tượng khi muốn chụp ảnh cùng voi hay hỏi thêm thông tin về những nét độc đáo của hồ Lắk.
Thác Dray Nur
Khi đến với thành phố cao nguyên Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, du khách yêu thích khám phá thiên nhiên không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thơ mộng và bí ẩn của ngọn thác hùng vĩ nhất Tây Nguyên – thác Day Nur. Cách thành phố Buôn Mê Thuột khoảng 30km theo hướng về Thành phố Hồ Chí Minh, thác Dray Nur có chiều dài 250m, nối liền địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Từ độ cao hơn 30m, dòng thác nghiêng mình đổ xuống sông sâu, tạo nên một bức tranh thiên nhiên huyền diệu.
ac
Từ thác Dray Nur, du khách yêu thiên nhiên có thể lang thang theo những con đường mòn trong rừng nguyên sinh ngắm những gốc cây đại thụ hàng ngàn năm tuổi, rễ của chúng ôm chặt những tảng đá lớn, hoặc khám phá những hang động kì thú, hay đợi hoàng hôn buông xuống để ngắm đàn dơi hàng ngàn con bay vào hang trú ẩn.
Dray Nur cũng níu giữ, lôi kéo bước chân du khách đến với cuộc sống thuần phác tại các buôn Kuốp, buôn Nui, buôn Tua của đồng bào Êđê sinh sống gần thác. Đến đây, du khách sẽ được xem giã gạo chày đôi, ngắm những chiếc váy thổ cẩm được dệt tinh xảo và những dụng cụ săn bắt độc đáo của người Êđê, cùng uống chút rượu cần, thưởng thức những món ngon của người địa phương. Cũng từ thác Dray Nur, du khách có thể dễ dàng vượt sông để đến chiêm ngưỡng thác Dray Sáp và thác Gia Long, những ngọn thác kỳ vĩ và đẹp bậc nhất Tây Nguyên.