Ngoài chức năng lao động, lao động nữ còn thực hiện “thiên chức” làm mẹ và nuôi con; các nghiên cứu về sức khỏe đã chỉ ra rằng, người phụ nữ thường yếu hơn nam giới và rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Do có những đặc điểm này, lao động nữ thường khó khăn hơn so với lao động nam về tìm kiếm việc làm, ổn định việc làm lâu dài và bảo đảm thu nhập.
Vì thế, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động nữ cũng như thực hiện bình đẳng về giới, BLLĐ năm 2019 dành toàn bộ Chương X với nội dung là những quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới. Điều 135 BLLĐ năm 2019 thể hiện chính sách của Nhà nước đối với lao động nữ, lao động nam và bình đẳng giới, chính sách này được thực hiện nhất quán, xuyên suốt trong cả BLLĐ cũng như văn bản pháp luật khác có liên quan.
Điểm mới nổi bật của Điều 135 thể hiện ở việc chính sách của Nhà nước cần phải bảo đảm, thực hiện các biện pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức về quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng trên thực tế, qua các phương tiện thông tin đại chúng có thể thấy hiện tượng này đã và đang diễn ra âm thầm, ở mọi môi trường làm việc, đối với mọi lứa tuổi, nhưng ít được đưa ra công khai bởi những đặc điểm tâm lý của người Á Đông và do đa số nạn nhân của quấy rối tình dục là phụ nữ, có thể có vị thế thấp hơn người quấy rối. Quấy rối tình dục tác động tiêu cực đến người lao động và doanh nghiệp, gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe thể chất và tinh thần, làm giảm năng suất và hiệu suất hoạt động kinh doanh và có thể ảnh hưởng đến phúc lợi của mọi nhân viên tại nơi làm việc.
Để quyền lợi của lao động nữ được đảm bảo, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà. Xem xét trong mối tương quan với các quy định khác của Bộ luật thì quy định như vậy là hợp lý vì không chỉ bảo đảm quyền của người sử dụng lao động trong việc sử dụng lao động phù hợp với nhu cầu lao động của đơn vị, mà còn nhằm tăng cường sự năng động của lao động nữ khi có thể làm việc linh hoạt trong điều kiện mang thai, nuôi con nhỏ.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp đã quy định chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà trong nội quy lao động hoặc thỏa thuận trong thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động. Nhà nước có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.
Như vậy, cùng với các chính sách về việc làm cho lao động nữ, Nhà nước đã rất chú trọng đến các quyền lợi riêng của lao động nữ khi tham gia quan hệ lao động. Theo đó, lao động nữ không chỉ được bảo đảm việc làm ổn định, thường xuyên, lâu dài, mà còn được bảo đảm các điều kiện lao động an toàn, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, nâng cao trình độ nghề nghiệp và nhất là được bảo đảm thu nhập, phúc lợi. Mục đích của quy định này là nhằm giúp lao động nữ phát huy được khả năng, trình độ của mình, vừa cống hiến cho xã hội, vừa thực hiện tốt “thiên chức” trong gia đình, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội.
Trích nguồn: Luathoangphi.vn