Ngày 22/05/2024, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã tổ chức Hội nghị sơ kết 03 tháng công tác áp dụng mô hình phối hợp ra quyết định (A-CDM). Tham gia cuộc họp có đại diện các đơn vị cùng tham gia chuỗi quy trình A-CDM tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất: Các hãng hàng không trong nước, các đơn vị phục vụ mặt đất, công ty quản lý bay miền Nam, Trung tâm thông báo tin tức hàng không, Trung tâm quản lý luồng không lưu…

Qua đánh giá, kết quả khai thác chính thức mô hình A-CDM giai đoạn 01 (từ 01/02/2024 đến 30/4/2024) tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đạt rất khả quan và nhận được ủng hộ từ tất cả các đơn vị tham gia. Các đơn vị đã nhận thức rất rõ về lợi ích của việc áp dụng A-CDM cũng như việc áp dụng thành công mô hình A-CDM tại cao điểm Tết (tần suất cất hạ cánh đạt 975 lượt/ngày) và những ngày đầu triển khai gặp tình huống thời tiết bất lợi, giảm tiếp thu tàu bay tại các sân bay đến cho thấy bằng chứng rõ ràng về thành công của việc áp dụng chính thức A-CDM tại Tân Sơn Nhất. Với kinh nghiệm đó, cùng với các chỉ số khai thác cải thiện được đánh giá bằng KPI so với hai đợt thử nghiệm trong năm 2023, chính là minh chứng rõ cho thấy việc áp dụng A-CDM sẽ tiếp tục thành công khi áp dụng trong giai đoạn cao điểm Hè và thời tiết xấu (mưa dông) tại Tân Sơn Nhất.

Áp dụng mô hình A-CDM tại Trung tâm Điều phối khai thác (AOCC) Cảng HKQT Tân Sơn Nhất

Qua thống kê từ 00 giờ ngày 01/02/2024 đến 23 giờ 59 ngày 30/04/2024 (giờ địa phương), Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã áp dụng A-CDM  đối với 62.467 chuyến bay (31.341 chuyến đến, 31.126 chuyến đi). Trong đó, có tổng cộng 1.420 chuyến bay khởi hành từ Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đến các cơ sở AFTM mức 3 được triển khai CTOT. Cảng đã áp dụng chính thức thành công 15/16 kịch bản khai thác A-CDM.

Các chỉ số khai thác ghi nhận cải thiện so với 02 lần thử nghiệm, cụ thể như: độ tuân thủ giờ hạ cánh (ALDT-ELDT) tăng hơn 20%, độ tuân thủ TSAT của tổ bay cải thiện, độ tuân thủ TOBT cũng đạt tăng do các đơn vị chủ động tuân thủ quy trình. Thời gian lăn ra giảm 0.7 phút/chuyến bay so với 2019 cho thấy hiệu quả của mô hình A-CDM cũng như khả năng tiết kiệm nhiên liệu cho các Hãng hàng không, giảm phát thải khí nhà kính và tiếng ồn trong khu hoạt động bay…

Đội Điều phối kế hoạch thuộc Trung tâm Điều hành sân bay Tân Sơn Nhất theo dõi tình trạng chuyến bay

Một số khó khăn vướng mắc, rủi ro trong quá trình triển khai, đều được Tổ A-CDM Tân Sơn Nhất dự báo và chuẩn bị sẵn các nguồn lực ứng phó, cụ thể như: một số thời điểm do hệ thống quá tải, mất truy cập Cảng đã sẵn sàng nguồn lực khắc phục ngay, hoặc sai sót do yếu tố con người (thao tác thủ công) các đơn vị chủ động phối hợp chỉnh sửa.

Thông tin các chuyến bay được hiển thị trên hệ thống A-CDM Portal

Ngoài ra, Cảng đã và đang chủ động triển khai hàng loạt giải pháp cải tiến về kỹ thuật như: cập nhật giờ TOBT/TSAT lên hệ thống VDGS, đầu tư nâng cấp Server nhằm giảm thiểu rủi ro hệ thống, nhận điện AMHS trực tiếp đến A-CDM Portal… Trong thời gian tới, Cảng tiếp tục phối hợp ACV xem xét đầu tư hệ thống Wifi phủ sóng toàn bộ sân đỗ, hệ thống đồng hồ ngoài trời, hệ thống thu tín hiệu ADS-B, AODB và nghiên cứu tích hợp dữ liệu kết nối tự động giữa A-CDM và ATM (Quản lý bay) … nhằm hạn chế các rủi ro do yếu tố con người, tăng tính tự động hóa trong việc áp dụng A-CDM 24/7 lâu dài.

Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đang triển khai các giải pháp cải tiến kỹ thuật

Trong 03 tháng tiếp theo, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất tiếp tục hướng đến khai thác mô hình phối hợp ra quyết định (A-CDM) phục vụ cao điểm Hè và trong điều kiện mùa mưa dông bất lợi tại sân. Vì vậy, Cảng tiếp tục yêu cầu các đơn vị tăng cường duy trì tuân thủ quy trình A-CDM cùng như phối hợp triển khai trong điều kiện thời tiết bất lợi, tăng cường tích hợp quy trình ATFM và ACDM, cũng như tiếp tục theo dõi đánh giá các chỉ số khai thác A-CDM và các khó khăn cải tiến nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả khai thác.

Tin và ảnh: Cảng HKQT Tân Sơn Nhất