Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là đơn vị chủ quản quản lý 21 cảng hàng không, trong đó có 02 cảng là Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TIA) và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (NIA) luôn nhộn nhịp, đông đúc nhất Việt Nam với trên 200 ngàn lượt cất hạ cánh/năm. Từ năm 2018, Việt Nam đã sớm tham dự các buổi hội thảo quốc tế nhận thức về A-CDM để có cái nhìn tổng thể về mô hình hoạt động rất mới mẻ và cũng đầy thách thức của nền tảng này.
Xuất phát từ thực tế khai thác, mà đỉnh điểm là năm 2019, sân bay Tân Sơn Nhất khai thác trên 260 ngàn lượt cất hạ cánh, phục vụ trên 41 triệu lượt hành khách. Trong khi đó công suất thiết kế của sân bay là 25 triệu khách, con số thực tế này đã nói lên tất cả: Sân bay Tân Sơn Nhất bị tắc nghẽn cả trên không lẫn mặt đất. Trước tình hình đó, lãnh đạo ACV cùng TIA và NIA thống nhất chủ trương bắt tay vào thực hiện xây dựng mô hình A-CDM (Airport Collaborative Decision Making), là mô hình của tổ chức ICAO dành cho các sân bay có trên 100.000 lượt chuyến/năm.
Từ đây một mô hình mới mẻ A-CDM bắt đầu được triển khai. Vì tính cần thiết và rơi vào mùa dịch nhưng ACV, TIA, NIA vẫn tham gia đầy đủ các buổi workshop online (trực tuyến) với các chuyên gia A-CDM nước ngoài; các chuyên gia đầu ngành về khai thác, điều hành, phân tích, kỹ thuật… đều góp mặt trong chương trình này.
A-CDM được hiểu là quy trình đã thống nhất giữa các đơn vị để phối hợp ra quyết định tại cảng hàng không, sân bay. A-CDM cung cấp nền tảng để các đơn vị phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ công tác ra quyết định tại cảng hàng không sân bay nhằm mục tiêu quản lý tắc nghẽn tại sân bay, tăng hiệu quả cho các chuyến bay khởi hành (OTP), tối ưu hóa sử dụng nguồn lực tại sân bay, nâng cao khả năng dự báo và thực hiện chính xác chu trình của 1 chuyến bay từ lúc cất cánh đến lúc hạ cánh, đảm bảo an toàn, đúng giờ.
A-CDM là mô hình điều phối kết hợp giữa các đơn vị điều hành khai thác tại sân bay như: Nhà Khai thác cảng (Airport Operators), Nhà khai thác tàu bay (Aircraft Operators), các Đơn vị phục vụ mặt đất (Ground Handlings), Không lưu (Air Traffic Control) và Quản lý luồng (Air Traffic Flow Management):
Các đơn vị sẽ có một hệ thống/nền tảng dùng chung để tự động tính toán, chia sẻ thứ tự chuyến bay đến, thời gian hạ cánh, thời gian vào vị trí đỗ, thời gian khởi hành dự kiến… căn cứ vào dữ liệu đầu vào được chia sẻ từ các đơn vị liên quan.
Các yếu tố này tạo ra một quy trình, hệ thống, nền tảng cho phép dự đoán chính xác các mốc thời gian trong hoạt động khai thác tàu bay.
Sau gần 2 năm khởi động, trải qua các bước thực hiện bắt buộc như: báo cáo phân tích GAP, CBA, KPI đánh giá sự thay đổi, xây dựng kịch bản Conops và tài liệu khai thác FDE…mà mới nhất là Cục hàng không Việt Nam đã phê duyệt tài liệu Conops & FDE, tiến tới thử nghiệm giai đoạn 1, tập trung vào tỷ lệ tuân thủ 2 mốc quan trọng là TOBT (Target Off Block Time) và TSAT (Target Star up Approval Time).
Tổ chức các buổi đào tạo nhận thức A-CDM (Awareness Training) cho các đơn vị điều hành, khai thác, không lưu và người lái.
A-CDM tác động đến các bên tham gia, quy trình khai thác sẽ bị thay đổi nên khi thực hiện phải hết sức cẩn thận. phải tổ chức đánh giá rủi ro, có kế hoạch giảm thiểu nhằm hạn chế các sự cố không mong muốn có thể ảnh hưởng đến điều hành khai thác.
Việc kết hợp A-CDM với ATFM nhằm nâng cao hiệu quả, tăng hiệu suất hoạt động và tối ưu các nguồn lực trên không và tại các cảng hàng không trong bối cảnh ngành hàng không phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19 đã được Lãnh đạo Tổng công ty ACV & VATM cùng cam kết thực hiện.
Tin và ảnh: Cảng HKQT Tân Sơn Nhất