Do ảnh hưởng của cơn bão số 1 (bão TALIM), dự kiến từ 9h sáng tới 20h tối ngày 18/7, sân bay Nội Bài - Hà Nội, Cát Bi - Hải Phòng và Vân Đồn - Quảng Ninh sẽ tạm đóng cửa.

Cục Hàng không Việt Nam vừa có công điện gửi các đơn vị trong toàn ngành hàng không về ứng phó với cơn bão số 1, dự kiến đổ bộ vào Quảng Ninh chiều tối 18/7.

Căn cứ theo các dự báo thời tiết, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu tạm dừng tiếp nhận máy bay đi/đến các sân bay khu vực phía Bắc trong ngày 18/7, cụ thể: Sân bay Nội Bài tạm đóng cửa từ 11h - 20h; sân bay Cát Bi và Vân Đồn tạm đóng cửa từ 9h - 19h.

Cảng HKQT Nội Bài và Cảng HKQT Cát Bi đã phối hợp với các hãng hàng không và đơn vị liên quan điều chỉnh lịch bay đi/đến các sân bay trên do ảnh hưởng của bão, đẩy lịch bay sớm hơn hoặc lùi giờ bay sau bão; di chuyển máy bay đi sân bay khác không bị ảnh hưởng của bão; neo đậu máy bay an toàn;...

Cảng HKQT Nội Bài và Cảng HKQT Cát Bi đã tăng cường kiểm tra các khu vực trọng yếu, khơi thông cống rãnh tránh ngập úng cục bộ; chằng néo tàu bay, phương tiện, trang thiết bị phục vụ mặt đất; chỉ đạo lực lượng phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ các đơn vị trực thuộc túc trực tại vị trí 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão… sẵn sàng ứng phó, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện trên sân đỗ tàu bay.

Trước đó, ngày 15/7, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có Công văn gửi các cảng hàng không trực thuộc yêu cầu các cảng hàng không triển khai công tác ứng phó Bão số 1 và bảo đảm an toàn khai thác.

Theo đó, đối với các cảng hàng không chịu ảnh hưởng của Bão số 1, ACV yêu cầu triển khai Phương án phòng chống thiên tai đã được ban hành; Tổ chức thường trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của cơn bão để có các biện pháp ứng phó kịp thời; Thực hiện kiểm tra, chằng néo lại toàn bộ nhà ga, nhà kho, văn phòng làm việc, hạ thấp hệ thống đèn cao áp tại sân đỗ tàu bay khi không khai thác…; di chuyển toàn bộ phương tiện/ trang thiết bị mặt đất không phục vụ chuyến bay về vị trí đỗ quy định tại đơn vị; các container, dolly, chuồng hành lý/hàng hóa không phục vụ tàu bay phải di chuyển về nơi tập kết, liên kết với nhau và được cài khóa chắc chắn; phương tiện, ttrang thiết bị chỉ di chuyển trên sân đỗ khi thực sự cần thiết; kiểm tra, chằng néo hệ thống biển quảng cáo, biển báo, đèn hiệu hàng không…

Các cảng phối hợp với các hãng hàng không trong công tác chằng néo, neo đậu các tàu bay không khai thác đỗ lại tại sân. Đối với trường hợp sân đỗ không có vị trí chằng néo, chủ động phối hợp với các hãng hàng không trong công tác xử lý hoặc di dời tàu bay đến các cảng hàng không khác để đảm bảo an toàn.

Đề phòng ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài gây ngập, lụt; các cảng hàng không chủ động kiểm tra tình trạng hệ thống mương thoát nước, bảo đảm khả năng thoát nước liên tục từ khu bay, nhà ga vào hệ thống thoát nước của địa phương, đồng thời thực hiện các biện pháp chống ngập cho các trang thiết bị trong khu bay và bảo đảm nguồn nước sạch, nguồn điện phục vụ cho hoạt động bảo đảm an toàn khai thác.

Yêu cầu các đơn vị chấp hành nghiêm quy định làm việc trong điều kiện thời tiết bất lợi, giông, sét và sơ tán cán bộ, nhân viên không thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai đến nơi an toàn.

Khi tình hình thời tiết tốt hơn, các cảng hàng không nhanh chóng triển khai công tác khắc phục ảnh hưởng của bão, kiểm tra FOD tại khu vực đường CHC, đường lăn, sân đỗ trước khi khai thác trở lại.

Thường xuyên báo cáo tình hình cũng như diễn biến, ảnh hưởng của cơn bão về thường trực Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PCCC, CNCH Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.