Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP vừa cho biết sẽ đầu tư gần 12.000 tỷ đồng nâng công suất khai thác của sân bay Cát Bi, Phú Bài và Chu Lai.

Đây là lần thứ 5 sân bay Cát Bi được nâng cấp cải tạo. Sân bay Cát Bi là sân bay quân sự được xây dựng trong thời kỳ Pháp thuộc. Sân bay cách trung tâm thành phố 8 km, cách Cảng biển Hải Phòng 6 km, cách khu du lịch quốc tế Đồ sơn 25 Km. Ảnh: vị trí sân bay Cát Bi. Nguồn: Sacojet.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 3-5/1954), cùng với sân bay Gia Lâm (Hà Nội) và sân bay Bạch Mai (Hà Nội), sân bay Cát Bi có nhiệm vụ quan trọng trong việc vận chuyển, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí, khí tài cho lính Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: bốc xếp hàng hóa tại sân bay Cát Bi. Nguồn: Joseph Scherschel.

Sau hòa bình lập lại (1954), sân bay Cát Bi bị hư hỏng nặng do chiến tranh tàn phá. Năm 1985, ngành hàng không đã phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tiến hành sửa chữa, cải tạo, đưa sân bay Cát Bi vào khai thác, sử dụng phục vụ mục đích dân dụng. Ảnh: đêm 6, rạng sáng 7/3/1954, bộ đội ta tập kích sân bay Cát Bi, phá hủy 59 máy bay, cắt đứt khả năng chi viện hàng hóa cho quân Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ từ sân bay này. Nguồn: Joseph Scherschel.

Năm 1996, sân bay Cát Bi tiếp tục được cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và nhà ga. Năm 2004, 2007, một lần nữa cảng hàng không Cát Bi tiếp tục được cải tạo, mở rộng và nâng cấp nhà ga hành khách. Ảnh: đường băng của sân bay Cát Bi được xây dựng năm 1996 bị quá tải, lún nứt vào năm 2015. Nguồn: Pháp luật Plus.

Thực hiện Quyết định số 1232/của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể Cảng HKQT Cát Bi, giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025, dự án cải tạo, nâng cấp và xây dựng mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi được khởi công từ năm 2014 với mức vốn đầu tư 3.660 tỷ đồng. Ảnh: phối cảnh dự án nâng cấp sân bay Cát Bi. Nguồn: UBND TP Hải Phòng.

Ba hạng mục chính được cải tạo, mở rộng gồm: đường cất hạ cánh, hệ thống đường lăn, sân đỗ, nhà ga hành khách và đài kiểm soát không lưu. Ảnh: thi công sân bay Cát Bi. Nguồn: Coninco.

Công trình cuối cùng của dự án là nhà ga hành khách được khánh thành và đưa vào sử dụng từ 12/5/2016. Với lần nâng cấp, cải tạo này, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đạt cấp 4E theo Tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO và sân bay quân sự cấp I, đáp ứng hoạt động của các loại máy bay hiện đại như Boeing 747, Boeing 777 và tương đương. Ảnh: sảnh ga hành khách sau khi được nâng cấp. Nguồn: Zing.

Từ thời điểm này, sân bay Cát Bi chính thức trở thành Cảng hàng không quốc tế Cát Bi theo Quyết định số 1395 của Bộ Giao thông vận tải.

Với vị trí địa lý thuận lợi, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi ngày càng phát triển mạnh mẽ. Từ lúc chỉ có 01 chuyến bay/tuần vào năm 1985 từ Hải Phòng đi thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, với loại tàu bay IL18, TU134, IAK40, đến năm 2015, Cảng HKQT Cát Bi có trung bình 36 lượt chuyến/ngày mỗi ngày đi TP HCM, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột… và ngược lại với các loại tàu bay hiện đại như A320, A321... Ảnh: tàu bay hiện đại tại sân bay Cát Bi. Nguồn: Vietnamnet.

Năm 2016, lượng hành khách qua Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi tiếp tục tăng 41,5%. Lo ngại mức tăng trưởng nhanh sẽ khiến Cảng hàng không quốc tế Cát Bi sớm quá tải, UBND TP Hải Phòng đã đề xuất Cục Hàng không sớm cho xây nhà ga hành khách thứ 2. Để khắc phục khó khăn về vốn, UBND thành phố Hải Phòng đề nghị cho đầu tư nhà ga hành khách thứ 2 theo hình thức xã hội hóa. Ảnh: hành khách trên chuyến bay xuất phát từ sân bay Cát Bi. Vietjet Air.

Gần như cùng với đề nghị này của UBND TP Hải Phòng, vào tháng 3/2016, hãng Hàng không Vietjet Air đã đề nghị Bộ GTVT và TP Hải Phòng cho phép hãng được đầu tư toàn bộ 6.000 tỷ đồng để xây dựng và khai thác nhà ga hành khách thứ 2 tại sân bay Cát Bi. Ảnh: Vietjet Air.

Tháng 5/2017, Cục Hàng không Việt Nam cho biết chấp thuận đề xuất xây dựng nhà ga hành khách thứ 2 tại Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi của UBND TP Hải Phòng. Ảnh: Zing.

Ngày 17/7, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết sẽ đầu tư gần 12.000 tỷ đồng nâng công suất khai thác đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tại các cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng), Phú Bài (Huế) và Chu Lai (Quảng Nam). Ảnh: máy bay hạ cánh tại sân bay Cát Bi. Nguồn: Zing.

Trong đó, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi sẽ được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường lăn song song, kết nối đồng bộ với đường băng mới xây dựng trong năm 2018 với kinh phí dự kiến 900 tỷ đồng, đồng thời xây dựng đường cất/hạ cánh mới, nhà ga hành khách và sân đỗ máy bay mới công suất 4 triệu khách/năm, có thể mở rộng lên 6 triệu hành khách/năm, với kinh phí 2.700 tỷ đồng. Ảnh: Zing.

                                                                                                                                                      Nguồn: Baomoi