Cảng hàng không quốc tế Cát Bi là cảng hàng không có vị trí quan trọng ở vùng Đông Bắc đồng bằng Bắc bộ, nằm trên địa bàn Quận Hải An – thành phố Hải Phòng; cách trung tâm thành phố 8 km về phía Đông Nam, cách Cảng biển Hải Phòng (6 Km), khu Du lịch Quốc tế Đồ sơn (25 Km), khu Công nghiệp Đình Vũ (8 km) và xa hơn một chút là khu Du lịch Cát Bà; khu Du lịch Quốc tế Tuần Châu, Vịnh Hạ Long....

Cảng hàng không quốc tế Cát Bi nằm trong quy hoạch tổng thể về giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt, đường hàng không... của cả nước nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng. Trong tương lai là cầu nối quan trọng giữa các thành phố lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á, châu Á, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế thương mại, hợp tác đầu tư văn hoá và du lịch của cả nước nói chung và của vùng Duyên hải thành phố Hải Phòng nói riêng. Cảng hàng không quốc tế Cát Bi ngày càng có sức hấp dẫn, thu hút và thoả mãn nhu cầu đi lại của nhân dân vùng Duyên hải Bắc Bộ và làm nhiệm vụ là cảng hàng không dự bị cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; với vai trò là sân bay dùng chung cho mục đích dân dụng, quân sự, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi còn có vai trò quan trọng trong chiến lược đảm bảo an ninh quốc phòng của Đảng và Nhà nước.

1. Vị trí:

- Cảng hàng không quốc tế Cát Bi nằm ở phía Đông nam thành phố Hải Phòng, thuộc địa bàn Quận Hải An.

- Điểm quy chiếu sân bay là giao điểm của trục tim đường CHC 07/25 và trục tim nối số 4 vào sân đỗ số 3 (Sân đỗ của HKDD), có toạ độ địa lý:

20° 49′ 9″ N, 106° 43′ 29″ E (Theo hệ WGS-84)  

- Múi giờ: 07

- Mức cao sân bay: 4,1m (So với mực nước biển trung bình - MSSL)

- Địa danh sân bay theo ký hiệu của ICAO và IATA: VVCI và HPH.

2. Quá trình phát triển:

Cảng hàng không quốc tế Cát Bi tiền thân là sân bay quân sự được xây dựng trong thời kỳ Pháp thuộc; bị hư hỏng nặng do chiến tranh phá hoại . Năm 1985, ngành hàng không đã phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tiến hành sửa chữa, cải tạo, đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ mục đích dân dụng. Năm 1996  tiến hành cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và nhà ga; Năm 2004, 2007; 2013 tiếp tục được cải tạo, mở rộng và nâng cấp nhà ga hành khách để đáp ứng nhu đi lại của nhân dân.

Với vị trí địa lý thuận lợi, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, ngành hàng không dân dụng và UBND thành phố Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi không ngừng phát triển và lớn mạnh, từ lúc chỉ có 01 chuyến bay/tuần từ Hải Phòng đi thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, với loại tầu bay IL18, TU134, IAK40... của Liên Xô (cũ). Ngày nay mỗi ngày đã có từ 36 đến 40 lần chuyến bay từ Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đi và đến các điểm đến trong nước: TP Hồ Chí minh; Đà Nẵng; Cam Ranh, Pleiku, Buôn Mê Thuật, Phú Quốc, Đà Lạt... Và quốc tế: Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc... bằng các loại tàu bay tiên tiến, hiện đại như A320, A321, B737... Trong năm 2017, dự kiến các hãng hàng không nghiên cứu mở rộng thêm nhiều đường bay mới đi trong nước và quốc tế. 

2.1 Cục Hàng không trình Bộ Giao thông Vận tải công bố Cảng hàng không quốc tế Cát Bi:

Cục Hàng không Việt Nam trình Tờ trình 1557/TTr-CHK gửi Bộ Giao thông vận tải về việc công bố Cảng hàng không Cát Bi là cảng hàng không quốc tế. Với điều kiện cơ sở hạ tầng được đầu tư mới như trên và nhu cầu khai thác các chuyến bay quốc tế đi/đến CHK Cát Bi của các hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải ra quyết định công bố CHK Cát Bi là CHK quốc tế và tiếp nhận các chuyến bay quốc tế từ 00h01 ngày 11/5/2016.

2.2 Trở thành cảng hàng không quốc tế:

Ngày 05 tháng 05 năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải ra quyết định số 1395/QĐ-BGTVT về việc công bố Cảng hàng không Cát Bi là cảng hàng không quốc tế. Theo đó, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi sẽ tiếp nhận các chuyến bay quốc tế từ 00h01 ngày 11/5/2016.

3. Cơ sở hạ tầng:

Là cảng hàng không dân dụng kết hợp với hoạt động bay quân sự, cảng hàng không quốc tế Cát Bi được phép tiếp nhận các chuyến bay thường lệ và không thường lệ, hoạt động 24/24 giờ.

4. Đặc tính kỹ thuật

- Cấp sân bay hiện tại: sân bay cấp 4E theo ICAO.

- Cấp cứu hoả hiện tại: CAT 8 theo ICAO.

- Chiều dài đường cất hạ cánh dài 3.050 mét, có phục vụ bay đêm.

- Chiều rộng đường cất hạ cánh: chính 45 m.

- Kích thước đường lăn chính: 2.400x23 m;

- Kết cấu đường cất hạ cánh: bê tông xi măng - bê tông nhựa;

- Sân đậu máy bay: 10 vị trí đỗ cho Airbus A320-321.

- Năng lực hiện tại: 1000 hành khách/giờ cao điểm 2-4 triệu lượt khách/năm

- Nhà ga hành khách: diện tích 15.630m2, với hai cao trình, 29 quầy làm thủ tục hàng không (Từ quầy số 1 đến quầy số 16: thủ tục hàng không nội địa, từ quầy số 17 đến quầy số 29: thủ tục hàng không Quốc tế).[7]

- Có 06 cửa ra máy bay (02 cửa bằng ống lồng và 04 cửa bằng xe bus), 03 băng chuyền hành lý đến (02 băng chuyền hành lý nội địa, 01 băng chuyền hành lý quốc tế).

- Có thể tiếp nhận các loại máy bay cỡ lớn như Boeing 777Boeing 767Boeing 787Boeing737-400Airbus A330Airbus A350Airbus 320-321 và tương đương

- Hệ thống dẫn đường, hỗ trợ hạ cánh: ILS CAT IIVOR/DME

5. Nhà ga hành khách:

Nhà ga hành khách mới được khởi công ngày 24 tháng 1 năm 2015, với số vốn 1.450 tỷ đồng, chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, chính thức đưa vào sử dụng ngày 12 tháng 5 năm 2016[7]. Nhà ga được thiết kế theo tiêu chuẩn Quốc tế, kiến trúc sáng tạo và gần gũi, gắn liền với hình ảnh đặc trưng của lễ hội chọi trâu tại Đồ SơnHải Phòng, trên một diện tích 7.500m2 và diện tích sàn sử dụng 15.630m2 với hai cao trình đi và đến tách biệt, phục vụ chung cho cả quốc nội và quốc tế, năng lực đáp ứng 1000 hành khách/giờ cao điểm, tương ứng 2 triệu lượt khách/năm.

Ga đi nằm ở tầng 2, phía trước có sảnh lớn nối liền với hệ thống đường tầng và hai cửa vào dành cho khách quốc tế và quốc nội. Khu vực check-in có 29 quầy làm thủ tục hàng không, trong đó quầy số 1 đến 16 phục vụ cho các tuyến bay quốc nội và quầy 17 - 29 phục vụ các tuyến bay quốc tế. Nhà chờ ra máy bay được chia làm hai khu dành cho quốc nội và quốc tế, ga quốc nội bố trí ở nửa phía Đông, có các cửa ra máy bay từ số 1 đến số 4, ga quốc tế bố trí ở nửa phía Tây, có các cửa ra máy bay số 5 và 6. Từ 6 cửa ra máy bay, hành khách có thể qua 2 cầu ống lồng đôi hoặc 4 lối ra bằng xe bus để vào máy bay.

Ga đến nằm ở tầng 1, dùng cho quốc nội và quốc tế, có 3 đảo băng chuyền hành lý đến, trong đó 2 đảo dành cho khách quốc nội và 1 đảo dành cho khách quốc tế. Khu vực ga đến quốc tế có đầy đủ trang thiết bị soi chiếu, hải quan và khu vực chuyển tiếp (transit) cho hành khách. Từ ga đến,hành khách đi trực tiếp ra sảnh đến và bãi đỗ xe ngoại trường.

Nhà ga hành khách cũ có diện tích 2.400m2, nằm cách nhà ga mới 150m về phía Đông, sau khi nhà ga hành khách mới chính thức được đưa vào khai thác ngày 12/5/2016, hiện tại nhà ga cũ đang chờ chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng, khu vực đỗ xe trước cửa nhà ga cũ được sử dụng để đỗ xe qua đêm, đỗ xe máy.