Bên cạnh việc “siết chặt” tình trạng trộm cắp hành lý ký gửi của khách đi máy bay, việc xử nghiêm các đối tượng trộm cắp trên tàu bay đang có dấu hiệu gia tăng cũng rất cấp bách.

14

Nhân viên hàng không khi đi vào khu cách ly phải khai báo rõ các vật dụng cá nhân mang theo (như điện thoại, iPad, máy tính…)

Nhiều vụ trộm cắp liên quan khách ngoại

Trên chuyến bay VN595 từ Hong Kong về TP HCM, ngay khi bắt đầu phục vụ bữa ăn giữa buổi, tiếp viên chuyến bay bất ngờ phát hiện một khách nước ngoài ngồi ghế 27C đi lên dãy ghế 20 lấy hành lý. Đáng lưu ý, ngay sau đó, hành khách này lại định đi vào nhà vệ sinh. Nghi ngờ có vấn đề, tổ tiếp viên đã bấm nút khoá cửa nhà vệ sinh. Lúc này, vị khách nhận thấy có bất thường nên trong lúc đứng chờ nhà vệ sinh đã lén vứt trên ghế cuối cùng 38D 1 túi màu đen và lấy chăn che lại. Ngay lập tức, nữ tiếp viên đã báo cáo tiếp viên trưởng cũng như cơ trưởng về khả năng xảy ra trộm cắp trong khoang khách.

Hành lý bị lục lọi sau đó được xác định là của một vị khách người Nhật Bản, ghế ngồi 17C. Vị khách này cho biết, mình bị mất khoảng 100.000 yên Nhật. Vụ việc nhanh chóng được làm rõ. Phi hành đoàn đã mời khách Nhật Bản giải thích vụ việc và trả lại cho hành khách số tiền bị mất.

Đại diện Cục Hàng không VN cho biết, các vụ việc khách ngoại trộm cắp trên máy bay đều có tính chất phức tạp, có yếu tố người nước ngoài. Tài sản trong hành lý mà các đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp có giá trị lớn. Một số đối tượng thực hiện hành vì thể hiện sự chuyên nghiệp trong cách thức hoạt động tội phạm, do đó phải chuyển hồ sơ cho công an địa phương và công an cửa khẩu để điều tra làm rõ và củng cố hồ sơ xử lý theo thẩm quyền.

Một vụ việc tương tự diễn ra trên chuyến bay VN593 từ Hong Kong về  Hà Nội cách đó không lâu. Theo đó, trong khi tàu bay đang bay, tiếp viên phát hiện một khách nước ngoài ngồi ghế 35D lấy túi xách trên ngăn đựng hành lý hàng ghế 28E và mang xuống ghế 36D (ghế trống) ngồi mở, lấy tiền bên trong sau đó cất túi trở lại vào chỗ cũ. Số tiền nhanh chóng được xác định gồm 300USD, gần 2.000HKD và 200euro là của một hành khách khác. Hành khách có tính tắt mắt sau đó đã phải thừa nhận vụ việc. Tổ bay lập biên bản và bàn giao đối tượng cho nhà chức trách hàng không tại sân bay Nội Bài. Được biết, công an cửa khẩu Nội Bài đã từ chối hoàn thành thủ tục nhập cảnh và quyết định trục xuất hành khách này.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện hãng hàng không cho biết, tình trạng trộm cắp trên tàu bay không phải mới nhưng chưa hề có dấu hiệu suy giảm, thậm chí còn đang gia tăng với những thủ đoạn, hành vi “chuyên nghiệp và bài bản, có tổ chức”. Có những vụ việc bắt được tận tay, phi hành đoàn sẽ lập biên bản và bàn giao cho lực lượng chức năng. Tuy nhiên, có những vụ việc, như vụ trên chuyến bay VN595 nói trên, do lúc xảy ra tình trạng mất cắp là thời điểm máy bay chuẩn bị hạ độ cao để hạ cánh, tiếp viên đã không kịp quay clip nhằm bắt tận tay khách lấy cắp và quăng lại tiền trên ghế, do vậy, không thể yêu cầu kiểm tra người và lập biên bản khách này.

“Trong vụ việc này, do không đủ cơ sở để xử lý, chúng tôi đành phải áp dụng biện pháp đưa tên đối tượng vào danh sách theo dõi và từ chối vận chuyển trên toàn hệ thống”, đại diện hãng hàng không nói và chia sẻ thêm, lý do chúng tôi chỉ có thể đưa đối tượng vào danh sách cảnh báo mà không thể phạt tiền vì đối tượng cũng không có tiền nộp phạt.

Cũng theo đại diện hãng hàng không nói trên, việc xử lý của cơ quan chức năng còn chưa đủ sức răn đe. “Mỗi năm vài chục vụ xảy ra. Hiện có những ổ nhóm rất lớn chuyên hoạt động trên các đường bay. Các đối tượng này thường đi theo từng nhóm 2 - 3 người, trong đó một người trộm cắp, một người che chắn và một người làm nhiệm vụ tẩu tán tài sản”, vị này thông tin.

Ngăn chặn trộm hành lý ký gửi

Trong khi các vụ trộm cắp trên tàu bay đang tăng mạnh, số vụ trộm cắp hành lý ký gửi qua đường hàng không lại đang từng bước được kiểm soát.

Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 11/2018, có 38 vụ trộm cắp tại cảng hàng không, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2017 (45 vụ). Đáng lưu ý, theo Cục Hàng không VN, đa phần các đối tượng được phát hiện đều liên quan đến nhân viên cung cấp dịch vụ vệ sinh hay dịch vụ bốc xếp hàng hóa có hợp đồng cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không. 

Giám đốc CHK quốc tế Nội Bài Nguyễn Đức Hùng cho biết, khắc phục tình trạng này, cảng đã triển khai mạnh việc kiểm soát chặt chẽ “đầu vào, đầu ra”, cụ thể, khi nhân viên đi vào khu cách ly phải khai báo rõ các vật dụng cá nhân mang vào (như điện thoại, iPad, máy tính…), khi đi ra cũng phải khai báo xem có đúng như những vật dụng mang vào không…

“Dù việc này chưa thể ngăn chặn tuyệt đối tình trạng trộm cắp hành lý ký gửi xong cũng là một trong những biện pháp hiệu quả”, ông Hùng nói. Và cho biết, hiện người lao động cũng nhận thức rõ việc kiểm soát chặt chẽ này cũng như hiểu rõ nếu bị phát hiện có thể bị mất việc, thậm chí khởi tố nên cũng không dám làm liều.

“Trước đây, do lực lượng bốc xếp chủ yếu là lao động khoán, làm thời vụ nên không sợ mất việc. Tình trạng hiện tại đã được khắc phục tương đối triệt để”, ông Hùng khẳng định.

Cũng liên quan quan đến hành lý ký gửi của khách đi máy bay, theo Cục Hàng không VN, các vụ việc hành khách khai báo mất tài sản trong hành lý ký gửi hầu hết không có tính chất mới, chủ yếu đều là hành lý ký gửi của các chuyến bay quốc tế đến. Các trường hợp hành lý rách, vỡ, có sự hao hụt trọng lượng và hành khách chứng minh được tài sản bị mất thì các hãng hàng không chủ động đền bù cho hành khách. Đối với trường hợp hành khách khai báo nhưng thiếu cơ sở chứng minh thì hãng hàng không và lực lượng kiểm soát an ninh hàng không sẽ trích xuất camera giám sát an ninh để xác minh. Thực tế cho thấy, khó có thể khẳng định tất cả tài sản mà hành khách báo mất trong hành lý ký gửi bị mất tại sân bay Việt Nam. 

Trong rất nhiều trường hợp, hành lý rách, vỡ đã được nhân viên phục vụ sân đỗ phát hiện ngay khi bốc dỡ hành lý tại hầm hàng tàu bay đã được lập báo cáo bất thường và chụp hình lại để làm bằng chứng”, lãnh đạo Cục Hàng không VN khẳng định.

Lắp camera giám sát, số vụ nhân viên trộm tài sản giảm mạnh

Thống kê của Tổng công ty Cảng Hàng không VN (ACV) từ đầu năm đến nay, trên toàn bộ 22 cảng hàng không cả nước xảy ra 38 vụ trộm cắp. Trong đó, chủ yếu là các vụ hành khách lấy cắp hành lý của nhau và các đối tượng bên ngoài vào trộm cắp hành lý của hành khách.

Các vụ việc nhân viên trộm cắp hành lý của hành khách diễn ra không đáng kể, chỉ 14 vụ, trong đó chủ yếu là nhân viên khi nhặt được tài sản của hành khách không chủ động báo với lực lượng có chức năng. Các vụ việc nhân viên làm tại các vị trí như bốc xếp hành lý lên tàu bay trộm cắp tài sản của hành khách giảm nhiều.

Năm 2013, có 205 khiếu nại, năm 2014 có 301 khiếu nại và năm 2015 là 168 khiếu nại của hành khách về việc mất hành lý, tài sản vận chuyển qua đường hàng không. Năm 2017 chỉ phát hiện 1 vụ liên quan đến nhân viên hàng không lấy cắp tài sản hành khách.

Để có được kết quả trên, ngành hàng không có nhiều giải pháp, trong đó có gắn camera tại nhiều vị trí, đến cả hầm hàng của tàu bay để giám sát nhân viên trong quá trình bốc xếp hành lý của hành khách.

Cùng đó, các đơn vị bốc xếp cũng đưa ra nhiều giải pháp giám sát và chế tài để xử lý. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó tổng giám đốc Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn cho biết, những nhân viên nào bị phát hiện có hành vi lấy cắp tài sản của hành khách sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động ngay. Đồng thời, chúng tôi có cơ chế lương thưởng xứng đáng với từng vị trí để nhân viên yên tâm làm việc, không tư lợi đến việc lấy cắp tài sản của hành khách.

                                                                                                                                       Nguồn: Baogiaothong.vn